Ba chính sách 'sát sườn' liên quan đến người lao động có hiệu lực từ 1.7

Thu Hằng
Thu Hằng
01/07/2022 07:00 GMT+7

Nhiều chính sách mới mang lại quyền lợi cho người lao động liên quan đến tăng lương, tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng mức hỗ trợ đi xuất khẩu lao động bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1.7.

Lương tối thiểu vùng tăng thêm 180.000 - 260.000 đồng/tháng

Sau hơn 2 năm chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hướng tăng cao, Chính phủ quyết định điều chỉnh lương tối thiểu từ 1.7.

Từ hôm nay 1.7, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng

T.Hằng

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng theo tháng được điều chỉnh tăng thêm 6%.

Cụ thể, mức tăng tương ứng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng, chia theo 4 vùng.

Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng.

Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng 3 tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng 4, tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

Đối với mức lương tối thiểu theo giờ, cũng chia tương ứng theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Năm nay là năm đầu tiên, loại hình lương tối thiểu theo giờ được quy định mới nhằm triển khai quy định của bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của bộ luật Lao động.

Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc điều chỉnh lương tối thiểu nhằm cải thiện đời sống khó khăn của người lao động; đồng thời góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 23,4 triệu đồng

Cùng với việc điều chỉnh lương tối thiểu, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định cũng tăng từ 1.7.

Cụ thể, luật Việc làm 2013 quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà người lao động có thể nhận hằng tháng sau khi nghỉ việc như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của bộ luật Lao động.

Quy định áp dụng đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Như vậy, từ 1.7, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức hưởng 5 lần mức lương tối thiểu vùng khi nhận trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo như sau:

Vùng 1 là 23,4 triệu đồng, vùng 2 là 20,8 triệu đồng, vùng 3 là 18,2 triệu đồng và vùng 4 là 16,25 triệu đồng.

Lao động huyện nghèo được hỗ trợ tiền ăn ở, đào tạo khi đi xuất khẩu lao động

Từ hôm nay, Thông tư 09 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực.

Theo đó, người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ có thêm nhiều hỗ trợ.

Cụ thể, đối với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài có 6 hỗ trợ:

Đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề.

Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ: tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.

Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày.

Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng.

Hỗ trợ tiền quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...: 600.000 đồng/người.

Chi phí làm hộ chiếu, làm phiếu lý lịch tư pháp, làm thị thực, khám sức khỏe

Đối với người dân tộc Kinh thuộc hộ cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ:

Tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề.

Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo.

Chính sách hỗ trợ này nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu có thể bị phạt đến 150 triệu

Ngoài quy định mức lương tối thiểu, Nghị định 38 của Chính phủ cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 12 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt từ 40 - 60 triệu đồng đối vơi vi phạm từ 1 - 10 người lao động; phạt từ 60 - 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 - 50 người lao động; phạt từ 100 - 150 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.