Trong những năm gần đây, bà Thatcher bị chứng mất trí nhớ và ít khi xuất hiện trước công chúng. Hồi tháng 12.2012, bà nhập viện để tiến hành một ca tiểu phẫu nhằm cắt bỏ khối u ở bàng quang.
Chiều 8.4 (theo giờ Việt Nam), AFP dẫn lời Huân tước Tim Bell, phát ngôn viên của bà Thatcher, thông báo: “Với lòng tiếc thương vô hạn, Mark và Carol Thatcher thông báo rằng mẹ của họ, nữ Nam tước Thatcher, đã ra đi trong thanh thản sau một cú đột quỵ sáng nay”. Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Thủ tướng nước này David Cameron đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự ra đi của nữ thủ tướng đầu tiên của đảo quốc sương mù. Theo BBC, ông Cameron đã hủy cuộc họp dự kiến với Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Paris và trở về Anh cùng ngày.
Chinh phục quyền lực
“Bà đầm thép” chào đời với tên gọi Margaret Hilda Roberts vào ngày 13.10.1925 tại thị trấn Grantham, miền đông nước Anh và là con gái của một người bán tạp hóa. Sau khi lấy bằng hóa học tại Đại học Oxford, bà đã kết hôn với doanh nhân Denis Thatcher vào năm 1951 và 2 năm sau sinh ra 2 người con sinh đôi là Carol và Mark. Theo AP, bà được bầu vào Hạ viện Anh lần đầu tiên vào năm 1959 rồi từng bước khẳng định vị thế trong đảng Bảo thủ.
Vào năm 1973, chính phủ của Thủ tướng Edward Heath gặp nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận dầu mỏ và yêu cầu tăng lương của những nghiệp đoàn. Sau đó, đảng Bảo thủ của ông Heath đã thất bại trong cuộc bầu cử vào năm 1974. Kể từ đây, bản thân bà Thatcher không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Heath đối với đảng Bảo thủ. Vì thế, bà quyết định thách thức vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ của ông Heath bằng lời cam kết sẽ đem lại khởi đầu mới. Vào tháng 2.1975, bà chính thức thay thế ông Heath để trở thành lãnh đạo đảng.
Sau đó, bà nhanh chóng tận dụng những khó khăn của chính phủ đang được cầm quyền bởi Công đảng để quyết tâm giành lại vị thế cho đảng Bảo thủ. Kết quả, bà giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 1979 để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đảo quốc sương mù.
Quyết đoán
Bà đề ra “Chủ thuyết Thatcher” nhấn mạnh quan điểm cần phát triển kinh tế dựa trên thị trường tự do. Theo AP, sau khi cầm quyền, bà tiến hành tư nhân hóa nhiều tập đoàn nhà nước như: Britisth Telecom, British Gas, Rolls-Royce, British Airway… để thu về nhiều tỉ bảng. Ngoài ra, bà còn vận dụng nhiều chính sách nới lỏng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển nên đã tiếp thêm sức mạnh để nền kinh tế Anh dần bước ra khỏi khó khăn. Nhờ đó, uy tín của Thủ tướng Thatcher ngày càng tăng cao.
|
Trong thời gian cầm quyền, Thatcher cực kỳ thân thiết với ông Ronald Reagan, người giữ chức Tổng thống Mỹ từ năm 1981 - 1989. Ngoài ra, bà cũng phản đối mạnh mẽ việc London xích lại gần EU. Bà cũng góp phần quan trọng để chấm dứt Chiến tranh lạnh nhưng lại phản đối mạnh mẽ việc thống nhất 2 miền nước Đức.
Đặc biệt, những năm cầm quyền của Thủ tướng Thatcher còn được ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi cuộc Chiến tranh Falkland/Malvinas. Vốn dĩ, cả Anh và Argentina đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Falkland/Malvinas, do London kiểm soát. Vào năm 1982, Buenos Aires bất ngờ đánh úp để giành quyền kiểm soát quần đảo trên. Với cá tính mạnh mẽ và quyết đoán, bà Thatcher đã gạt đi mọi sự e dè và quyết định đáp trả mạnh mẽ. Kết quả, Anh đã giành thắng lợi trước Argentina. Chiến thắng này đã giúp bà thắng cử vào năm 1983 và tiếp tục tái đắc cử vào năm 1987. Sự cứng rắn của “Bà đầm thép” còn được khẳng định bằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ George H.W.Bush trong cuộc Chiến tranh Vùng vịnh vào năm 1990.
Tuy nhiên, chính sự cứng rắn của Thủ tướng Thatcher khiến bất đồng giữa bà với các đồng minh trong đảng Bảo thủ ngày càng tăng cao. Khi bất đồng lên đến đỉnh điểm, bị nhiều cộng sự thân thiết rời bỏ, bà quyết định từ nhiệm vào năm 1990. Tuy nhiên, dù thế nào, Margaret Thatcher không chỉ là nữ thủ tướng duy nhất của Anh từ trước đến nay mà còn có nhiều đóng góp quan trọng không thể phủ nhận.
Trùng Quang
>> “Bà đầm thép” qua đời vì đột quỵ
>> “Bà đầm thép” Margaret Thatcher từ trần
>> Phim "Bà đầm thép" gây tranh cãi
Bình luận (0)