Có những hôm, 12 giờ đêm cũng có bạn nhắn tin: “cô Nga ơi, cô Nga cứu con. Cây của con tự nhiên hôm qua đang khỏe nay lại héo lá hết rồi cô ơi! Giờ con phải làm sao ạ?”. Cứ như thế, suốt cả ngày đêm, bất kể là giờ nào chị Nga cũng miệt mài nhắn tin chỉ dẫn từng li từng tý một cho những bạn trẻ mới bắt đầu đam mê trồng nông sản sân thượng. Từ đó, nhiều bạn trẻ đã áp dụng thành công và sở hữu được những khu vườn nông sản sân thượng xanh mướt, sai trĩu quả.
|
|
Trồng cây là phải đam mê và chịu khó
Ghé đến thăm khu vườn nông sản sân thượng “vạn người mê” của chị Nga tại Q. Gò Vấp, TP.HCM, không chỉ được chiêm ngưỡng những loại cây trái sai trĩu quả và vô cùng xanh mướt mà còn được cơ hội cười nghiêng ngả vì độ vui tính của bà chủ khu vườn trên sân thượng này.
Chị Nga bắt đầu trồng nông sản trên sân thượng đến nay đã gần 6 năm, chị tự mày mò và sáng chế ra rất nhiều phương pháp, cách trồng cây hoàn toàn hữu cơ mà cây vẫn xanh tốt và trái ra trĩu cành.
|
|
“Mình là gốc con nhà nông, từ năm 10 tuổi đã làm vườn, làm rẫy nên cũng biết nhiều về kiến thức trồng trọt. Nhưng từ ngày trồng cây trên sân thượng, tự mày mò nên phát hiện thêm nhiều phương pháp hay về trồng nông sản hoàn toàn hữu cơ”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga kể trước đây khi thấy người bạn có trồng cây ăn quả, cây cảnh hay chôn chuối dưới gốc cho cây tốt do chuối chứa nhiều kali. Lúc đó chị đã nghĩ, thay vì chôn sẽ khó hấp thụ hơn nên chị thử mang chuối đi xay, trộn với trứng, sau đó chị Nga nghiên cứu và trộn thêm sữa bột và đã tạo thành hỗn hợp phân chuối, trứng, sữa vô cùng tốt cho cây trồng. Ngoài ra, chị Nga còn tự ủ rất nhiều loại khác nhau để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng như phân bò ủ hoai, bột đậu tương, đạm cá, bồ hòn sinh học…
|
|
Vườn của chị Nga quanh năm rau cứ xanh mướt, còn các loại trái, quả thì cứ lúc la lúc lỉu trên cành. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng nông sản sân thượng nên chưa có một loại cây nào là làm khó được chị, nhưng vì rất thích ăn các loại trái cây, hơn nữa gia đình hiện tại chỉ có 2 vợ chồng nên đa phần chị Nga chọn trồng các loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, cũng vì rất thích ăn cải Kale xoắn, chùm ngây, củ cải Hàn Quốc nên vườn của chị lúc nào cũng phải có những loại rau này, cứ hết một lứa chị Nga lại ươm gối vụ để trồng thay thế lứa cũ.
|
|
Để có được vườn nông sản sân thượng “vạn người mê” như vậy, chị Nga cho biết đất trộn được cô ủ với vi sinh nhân khối và trichodema, trấu hun, vỏ lạc, bánh dầu. Còn bột đậu tương, phân dơi, bò ủ hoai, tảo úc, bột vỏ trứng là các thứ mà chị Nga thường trộn cho đất.
Nhưng điều quan trọng nhất, chị Nga muốn gửi gắm: “Trồng sân thượng điều căn bản là các bạn phải tận tụy, chịu khó, đam mê và yêu cây thì mới trồng được. Đặc biệt, phải theo sát mỗi ngày, theo sát và để ý từng ngóc ngách của cây để còn biết mà xử lý kịp thời nếu cây gặp vấn đề”.
Tận tình chia sẻ kinh nghiệm bất kể ngày đêm
Điều đặc biệt, khi đã thử nghiệm và trồng rất thành công, chị Nga dành hết tâm huyết để ngày đêm chia sẻ cho những ai cần, đặc biệt là những bạn trẻ khi mới tập tành trồng nông sản sân thượng.
|
|
“Bây giờ mọi người trồng trên sân thượng rất nhiều, mà sử dụng các loại phân hóa học thì độc hại nên từ khi trồng, trải nghiệm các phương pháp hoàn toàn hữu cơ thấy rất tốt nên muốn chia sẻ cho mọi người cùng áp dụng. Giờ thì, các bạn trẻ ở khắp mọi miền đất nước đều dùng phân của mình, các bạn bón và thấy được hiệu quả rất rõ rệt”, nói rồi chị Nga hài hước kể thêm: “Mình dễ tính nên bạn trẻ nào cũng thích nhắn tin hỏi. Cứ suốt ngày là “Cô Nga ơi, cô cứu con”, thế là mình hiểu các bạn cần mình giúp rồi. Cả ngày hàng trăm tin nhắn mà mình đều trả lời hết cho các bạn, đến nổi mà bấm tin nhắn nhiều quá nên 2 đầu ngón tay luôn ở trong chế độ đơ cứng và số lượng các bạn trẻ nhắn tin hỏi mình mà kéo cả mét không hết (cười). Nói chung mình coi các bạn như con, như cháu trong nhà nên các bạn hỏi gì mình đều chỉ hết, không giấu một bí kíp gì cả”.
|
|
|
Anh Hà Hữu Quý (ngụ tại P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) là một người rất thích trồng cây trên sân thượng, anh kể trước đây anh trồng các loại cây ăn trái trên sân thượng như cóc, ổi, mận, táo…nhưng dù trồng cây ăn trái mà chỉ thu hoạch về được toàn lá. Từ ngày biết đến chij Nga thì anh như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, và từ đó mọi thứ thay đổi hoàn toàn.
|
|
“Nhờ chị Nga chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm mà giờ cây nào mình trồng cũng đều ra hoa và đậu quả. Chị chia sẻ rất nhiệt tình, từng li từng tý một. Từ công đoạn trộn đất, chọn giống, rồi tỉa cành, hay cây không ra hoa thì phải làm sao, ra hoa rồi thì làm sao cho đậu trái, đậu trái rồi thì làm sao cho được quả to và ngọt…Nói chung là từ A-Z của các qui trình trồng cây cô đều chia sẻ rất tường tận”, anh Quý kể.
|
|
|
Điều mà khiến anh Quý vô cùng cảm động và biết ơn là từ 2 người hoàn toàn xa lạ, chỉ biết nhau qua các hội nhóm trồng cây trên mạng nhưng chị Nga rất nhiệt tình giúp đỡ: “Thật sự mình không nghĩ chị ấy quá tuyệt vời đến vậy luôn. Bất cứ thời điểm nào trong ngày mà mình cần thì chị Nga đều hướng dẫn”.
|
|
|
Cũng là một trong những người trẻ được chị Nga hỗ trợ nhiệt tình và đã trồng được nông sản sân thượng thành công, Đinh Thị Thắng (ngụ tại P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Cô đã giúp đỡ cho mình rất nhiều. Mỗi khi cây hoặc rau bị bất cứ trường hợp gì, mình chỉ cần nói “Cô ơi, cô cứu cây của con với” thế là cô sẵn sàng giúp liền. Mặc dù mình chỉ quen cô trên mạng qua hội nhóm trồng cây, nhưng cô rất nhiệt tình giúp đỡ. Nói chung, cô rất xứng đáng là “bà đỡ” của những vườn nông sản sân thượng”.
Cách trồng dưa leo sân thượng đạt năng suất
Vì có nhiều bạn hỏi chị Nga về cách trồng cây dưa leo nên chị Nga cũng cặn kẽ chia sẻ: “Ngoài công đoạn trộn đất và ươm cây con cần rất kỹ thì khi cây được 4 lá mọi người nên tiến hành phun đạm cá tăng dinh dưỡng cho cây con, giai đoạn này cây cần đạm nhất nhưng nên pha loãng và phun lúc sáng sớm. Khi cây được 5 lá thật thì tiến hành hạ thổ và phun ngừa Neem chitosan hoặc tinh dầu Neem và bồ hòn, pha 1ml neem và 10ml bồ hòn phun ướt bề mặt lá vào sáng sớm”.
Dưa leo là loại rất ưa nước và hút nước nhiều nhất là thời lỳ ra hoa và nuôi trái nên chị Nga thường dùng thùng bán thuỷ canh hoặc nếu thùng thổ canh thì phải to và có nhỏ giọt để bù nước liên tục cho dưa, nhất là thời kỳ nuôi trái, tránh tình trạng mất hụt nước dưa sẽ đắng. Khi cây được 8 lá chị Nga bắt đầu thúc phân trứng sữa và tảo Úc liên tục tuần 2 lần cho 2 loại. Phun canxi và kali, và tưới thêm bột vỏ trứng dưới gốc nhưng xa gốc, tránh tưới nước thẳng bào gốc làm xói rễ cây sẽ dễ bị long rễ và gây nắm bệnh hoặc héo xanh. Sau một tuần phun kali và canxi, cây sẽ bung nhiều nhánh chị Nga tiếp tục phun lần cuối giúp ra hoa đậu trái và ngưng luôn, từ giai đoạn này chỉ bón phân trứng sữa. “Bệnh thường gặp ở dưa leo là khi bắt đầu trổ hoa đực cũng là lúc kiến đen leo lên cây và ăn nhuỵ hoa đực, đồng thời tha rầy rệp lên sau mặt lá và đọt dưa. Nên mọi người chú ý theo sát và nếu thấy kiến tha rầy rệp lên thì lập tức pha bồ hòn cho vào bình phun thật mạnh vào mặt sau lá để rệp không sinh sôi thành mảng sẽ rất khó trị”, chị Nga chia sẻ và cho biết không chỉ với dưa leo mà trồng bất cứ nông sản sân thượng nào thì mọi người nên theo sát và tỉ mỉ để xử lý kịp thời các loại bệnh. |
Bình luận (0)