Trong chuyến đi Mỹ tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này, sánh vai cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là “đệ nhị” phu nhân Trung Quốc, bà Trịnh Hồng. Trang phục thanh lịch và vẻ đẹp sắc sảo của bà đã thu hút ống kính của không ít phóng viên. Và đó không chỉ là vẻ bề ngoài, phu nhân Thủ tướng Trung Quốc thực sự là một nhân vật trí thức “không phải dạng vừa”.
"Cô gái năm đấy chúng ta cùng theo đuổi"
Trịnh Hồng (thứ 2 từ phải qua) cùng bạn bè khi còn làm việc tại vùng nông thôn ở Hà Nam Sina English
|
Bà Trịnh Hồng sinh năm 1957 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cha bà khi đó là Bí thư Liên hiệp Thanh niên Cộng sản tỉnh Hà Nam, còn mẹ là phóng viên của Tân Hoa xã. Giống như nhiều thanh niên trí thức khác ở Trung Quốc, bà Trịnh Hồng cũng đã trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Tới năm 1974, bà cùng các thanh niên khác tới vùng nông thôn trong tỉnh để làm việc.
Theo trang Sina English, cô gái trẻ Trịnh Hồng khi đó là một tấm gương đạt chuẩn 100% với thành tích luôn cao nhất. Những người bạn cùng sinh hoạt chung với Trịnh Hồng vào năm 1975 kể rằng: “Cô ấy chẳng bao giờ từ chối việc gì, từ gặt lúa mì, bưng bê, vận chuyển phân bón. Cô ấy luôn đạt điểm 10, số điểm cao nhất vốn chỉ có nam giới mới làm được”.
Một anh bạn của Trịnh Hồng trong nhóm thừa nhận đã từng cố gắng bí mật cạnh tranh gặt lúa mì nhưng dù cố gắng nhiều thế nào, anh cũng không thể gặt được nhiều lúa như Trịnh Hồng làm.
Những người bạn của Trịnh Hồng lúc đó xem cô gái trẻ ấy là một hình mẫu lý tưởng để noi theo. Huo Aimin là người sống cạnh phòng với Trịnh Hồng suốt thời gian ở nông thôn. Huo kể rằng ấn tượng đầu tiên về Trịnh Hồng là một cô gái rất trưởng thành và thân thiện. Trịnh Hồng thu hút mọi người bằng những câu chuyện. Trịnh Hồng còn khiến bạn bè khâm phục khi là người đầu tiên hăng hái đi đắp đập ở một con sông trong vùng lúc trời mưa to gây lũ lụt.
Không chỉ làm giỏi, Trịnh Hồng còn hát rất hay. Với sự thể hiện xuất sắc của mình, cô gái Trịnh Hồng thường được chọn là người phát biểu trong các hội nghị địa phương. Tới năm 1977, bà trở thành sinh viên Đại học Ngoại ngữ ở Trung Quốc.
Giáo sư đại học và học giả hàng đầu
Bà Trịnh Hồng gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth vào năm 2014 AFP
|
Cô gái Trịnh Hồng giỏi giang khi xưa chính thức tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ vào năm 1982, sau đó lấy bằng tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc. Năm 1995, bà Trịnh Hồng trở thành học giả thỉnh giảng tại Đại học Brown của Mỹ.
Theo Tân Hoa xã, phu nhân của Thủ tướng Lý Khắc Cường là giáo sư thuộc khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh ở Bắc Kinh trong suốt 30 năm. Theo giới thiệu của trường này, bà Trịnh là một trong những “học giả nổi tiếng” và là thành viên hội đồng khoa học của trường.
South China Morning Post dẫn lời một giáo sư làm việc cùng khoa với bà Trịnh cho biết bà Trịnh từng được cất nhắc lên vị trí trưởng khoa trong trường đại học, nhưng bà từ chối. "Bà ấy là học giả điển hình thích tập trung vào công việc. Bà ấy cư xử với người khác bằng sự chân thành", người này kể.
Một sinh viên tốt nghiệp khoa này nhận xét bà Trịnh là một giảng viên rất thông thạo văn học Anh và là một nhà nghiên cứu có sức ảnh hưởng rõ nét trong ngành bà theo đuổi. Một nhà phê bình văn học tại Quảng Châu thừa nhận: “Những nghiên cứu của bà có vai trò quan trọng trong việc phổ biến các tác phẩm về tự nhiên tại Trung Quốc. Khó có phu nhân quan chức cấp cao ở Trung Quốc có khả năng tiếng Anh và viết thành thạo như bà. Các cuốn sách của bà Trịnh viết ra đều rất hay".
Yên bình là giá trị lớn lao
Bà Trịnh Hồng cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến công du Tây Ban Nha năm 2015 Reuters
|
Bất chấp vị trí trong giới học thuật, hiếm người biết bà Trịnh là phu nhân của người quyền lực thứ hai ở Trung Quốc. Không giống như đệ nhất phu nhân Trung Quốc là bà Bành Lệ Viện (vợ Chủ tịch Tập Cận Bình), những thông tin về bà Trịnh chỉ được tiết lộ khi lần đầu tiên bà cùng chồng công du nước ngoài vào năm 2014.
Giáo sư Tuo Guozhu tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh nơi bà Trịnh từng giảng dạy không ngớt lời ca ngợi vị phu nhân này. Ông Tuo nói: “Bà ấy không bao giờ công khai về chồng mình, phải đến sau năm 2008, khi ông Lý Khắc Cường trở thành phó thủ tướng thì chúng tôi mới biết đó là chồng bà ấy”.
Như đã nói, ngoài việc giảng dạy, bà Trịnh còn là một học giả và một cây viết với những tác phẩm được đánh giá cao. Cuốn sách Yên bình là giá trị lớn lao là một trong những tác phẩm gây chú ý của bà Trịnh được xuất bản vào năm 2014. Theo South China Morning Post, những gì bà viết trong cuốn sách của mình có lẽ góp phần giải thích vì sao một người tài năng và danh giá như bà lại không được nhiều người biết tới. Thậm chí, trong số hồ sơ ít ỏi về các phu nhân của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc, bà vẫn đứng ở một góc ẩn dật.
“Hầu hết thành viên trong trường rất khó liên lạc với bà ấy. Bà ấy vẫn dạy văn học Anh và Mỹ cho sinh viên khi chồng bà làm lãnh đạo tỉnh Liêu Ninh. Nhưng từ khi ông Lý Khắc Cường đảm nhận vai trò ở Bộ Chính trị, bà ấy không dạy nữa", một đồng nghiệp của bà Trịnh cho hay.
Ngay từ lần đầu tiên cùng chồng công du ra nước ngoài, bà Trịnh đã được giới truyền thông chú ý. Có thể dễ dàng nhận thấy phong thái của một người dạy học, một người trí thức toát ra ngay khi nhìn thấy hình ảnh vị phu nhân này.
Bình luận (0)