Ba hố đen ‘lao’ vào nhau

30/09/2019 08:35 GMT+7

Các nhà thiên văn học lần đầu tiên quan sát được cảnh tượng 3 hố đen khổng lồ chen chúc vào một chỗ trong lúc 3 thiên hà của chúng đang trong quá trình sát nhập để trở thành một thiên hà duy nhất.

Toàn bộ cụm gồm 3 thiên hà được đặt cho một cái tên duy nhất là SDSS J084905.51+111447.2 (hay viết ngắn hơn là SDSS J0849+1114) và đang nằm cách Trái đất khoảng 1 tỉ năm ánh sáng, theo báo cáo trên chuyên san The Astrophysical Journal.
Đội ngũ chuyên gia nghiên cứu buộc phải kết nối dữ liệu từ các kính viễn vọng trên mặt đất lẫn trên không gian, bao gồm 3 kính viễn vọng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), để xác định được vị trí và khoảng cách của tổ hợp 3 hố đen trên, theo cơ quan này.
“Thông thường chúng ta chỉ phát hiện các cặp hố đen, nhưng lần này, thông qua kỹ thuật chọn lọc, chúng tôi đã tình cờ phát hiện tổ hợp vô cùng đặc biệt này”, theo chuyên gia Ryan Pfeifle của Đại học George Mason ở bang Virginia (Mỹ).

Ảnh chụp được chắp vá từ dữ liệu của nhiều kính viễn vọng trên mặt đất và trên không gian

NASA

Ông khẳng định đây là chứng cứ mạnh mẽ nhất cho thấy một hệ thống gồm 3 hố đen đang tích cực hoạt động để hợp thành các siêu hố đen.
Một lý do khiến giới thiên văn học Trái đất từ trước đến nay thường gặp khó khăn khi cố gắng tìm cho ra tổ hợp gồm 3 hố đen, vì chúng luôn bị bao phủ bởi những đám mây bụi và khí, tạo thành tấm màn khổng lồ che chắn thành công đa số ánh sáng phát ra trong quá trình chúng tương tác.
“Cụm hai và cụm ba hố đen thuộc dạng cực hiếm”, theo đồng tác giả Shobita Satyapal, “nhưng những hệ thống như vậy trên thực tế lại là hệ quả tự nhiên trong quá trình các thiên hà sát nhập, mà chúng tôi cho rằng điều này giúp giải thích cách thức các thiên hà tăng trưởng và tiến hóa trong vũ trụ”.

[VIDEO] Hiếm thấy: Lỗ đen xé toạc ngôi sao "vắn số"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.