Bà Hứa Thị Phấn qua đời: Hàng nghìn tỉ bồi thường sẽ thi hành ra sao?

16/02/2023 14:20 GMT+7

Bà Hứa Thị Phấn qua đời khi chưa chấp hành xong các bản án, vậy nghĩa vụ bồi thường hàng ngàn tỉ đồng của người này sẽ được thực hiện như thế nào?

Trưa 13.2, bà Hứa Thị Phấn, sinh năm 1947, cựu Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), được xác định đã qua đời.

Bà Phấn là người phải thi hành bản án 30 năm tù và bồi thường hơn 18.000 tỉ đồng liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cùng các sai phạm xảy ra tại TrustBank.

Việc bà Phấn qua đời đặt ra tình huống pháp lý: bản án 30 năm tù cùng khoản tiền bồi thường hàng chục nghìn tỉ đồng cho các bị hại sẽ thi hành như thế nào.

Bà Hứa Thị Phấn qua đời: Hàng ngàn tỉ phải bồi thường sẽ khắc phục ra sao? - Ảnh 1.

Bà Hứa Thị Phấn (năm 2016)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Về phần trách nhiệm hình sự (bản án 30 năm tù), theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục để đình chỉ thi hành án đối với bà Phấn, căn cứ quy định tại luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Bà Hứa Thị Phấn qua đời: Hàng ngàn tỉ bồi thường sẽ thi hành ra sao?

Về phần trách nhiệm dân sự (bồi thường hơn 18.000 tỉ đồng), tại buổi họp báo hồi cuối tháng 12.2022, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết trong vụ bà Phấn, cơ quan chức năng đã tổ chức thi hành được gần 7.000 tỉ đồng, số tiền còn lại phải thi hành đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản kê biên.

Luật sư Tâm cho hay, sau khi bà Phấn qua đời, việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường sẽ tiếp tục được thực hiện trên nguyên tắc thừa kế.

Theo đó, điều 615 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong vụ việc của bà Phấn, cơ quan chức năng cần xác định ai là người được hưởng thừa kế di sản của bà Phấn để mời lên phối hợp làm việc.

Trường hợp số tài sản của bà Phấn ít hơn hoặc đúng bằng số tiền phải bồi thường mà bản án có hiệu lực đã tuyên, toàn bộ sẽ được xử lý để bồi thường cho các bị hại. Những người thừa kế sẽ không còn tài sản để chia.

Ngược lại, nếu tài sản bà Phấn để lại lớn hơn số tiền phải bồi thường, sau khi thi hành án xong phần trách nhiệm dân sự, người thừa kế sẽ được hưởng phần còn lại theo quy định pháp luật.

Trao đổi thêm, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong các luật sư từng bào chữa cho bà Phấn, cho biết quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng thực hiện kê biên nhiều tài sản của bà Phấn, bao gồm cả tài sản thuộc sở hữu cá nhân và tài sản sở hữu chung tại các công ty. Với tài sản sở hữu chung, cơ quan chức năng cần xác định phần của bà Phấn là bao nhiêu để thi hành án.

Hiện bà Phấn đã qua đời, trường hợp không có di chúc, quyền về tài sản của bà sẽ được chuyển cho những người hưởng thừa kế theo quy định, những người này đương nhiên sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà bà Phấn để lại. 

Cần lưu ý rằng, những người thừa kế tài sản của bà Phấn chỉ có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi di sản mà bà Phấn để lại, họ không có nghĩa vụ phải bồi thường thêm nếu tài sản ấy không đủ để khắc phục hậu quả.

Luật sư Tám cho biết, theo thông tin ông nắm được, hiện nhiều người con của bà Phấn đang ở nước ngoài. Do đó, trường hợp họ không thể về Việt Nam để làm việc trực tiếp thì cần thực hiện các thủ tục ủy quyền, hợp pháp hóa lãnh sự cho người đang ở Việt Nam giải quyết.

Bà Hứa Thị Phấn được nhiều người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng gọi là bà Sáu Phấn. Bà Sáu Phấn quê Đồng Tháp, nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ.

Năm 2007, bà Hứa Thị Phấn đại diện Công ty CP đầu tư và phát triển Phú Mỹ cùng người thân mua 85% cổ phần của TrustBank, tương đương 2.500 tỉ đồng và giữ chức vụ Cố vấn cấp cao HĐQT ngân hàng này. Ngân hàng này có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến H.Cần Đước, Long An.

Tuy giữ chức vụ cố vấn của TrustBank nhưng bà Phấn sở hữu 85% cổ phần ngân hàng này và là người đứng sau điều hành, làm lũng đoạn toàn bộ hoạt động của TrustBank.

Năm 2012, bà Hứa Thị Phấn tham gia HĐQT Tập đoàn SSG và rút khỏi HĐQT SSG vào năm 2016.

Bà Hứa Thị Phấn đang thi hành bản án 30 năm tù và bồi thường hơn 18.000 tỉ đồng liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và các sai phạm xảy ra tại TrustBank.

Quá trình xét xử các vụ án, bà Phấn mất sức khỏe 93%, mắc các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.