Ba Lan đòi Đức bồi thường 1.300 tỉ euro thiệt hại vì Thế chiến 2

02/09/2022 09:42 GMT+7

Ba Lan đòi Đức bồi thường 1.300 tỉ euro thiệt hại từ Thế chiến 2 nhưng Berlin nói vấn đề này đã khép lại.

Chính quyền Ba Lan đã đưa ra ước tính số thiệt hại từ Thế chiến 2 của nước này là 1.300 tỉ euro và sẽ yêu cầu Đức đàm phán để bồi thường số tiền này, theo AFP ngày 2.9.

Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói rằng đây là số tiền lớn và phần lớn sẽ được bồi thường cho 5,3 triệu công dân Ba Lan thiệt mạng từ cuộc chiến. Tuy nhiên, ông thừa nhận để đòi được tiền là cả một quá trình “kéo dài và khó khăn”.

Lễ kỷ niệm 83 năm ngày Thế chiến 2 nổ ra tại Gdansk, Ba Lan ngày 1.9

Reuters

Những tuyên bố trên được ông Kaczynski đưa ra tại một hội nghị về 83 năm ngày Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan 1.9.1939. Từ khi nắm quyền vào năm 2015, đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) do ông Kaczynski đứng đầu đã chủ trương yêu cầu bồi thường chiến tranh. Năm 2017, báo cáo về việc bồi thường bắt đầu được chuẩn bị và chính quyền Ba Lan cho rằng Đức có nghĩa vụ đạo đức phải bồi thường thiệt hại.

Theo báo cáo, trong vòng 6 năm chiến tranh, Ba Lan mất 50% luật sư, 40% bác sĩ và 35% giáo sư đại học. Ngoài 5,3 triệu người chết, còn có 2,1 triệu người bị đưa sang các trại lao động của Đức Quốc xã. Do phải tham gia vào các thí nghiệm tâm lý-y học và bị giam giữ trong các trại tập trung, 590.000 người Ba Lan bị thương tật. Ngoài ra, báo cáo còn nêu rằng Ba Lan chịu nhiều thiệt hại về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật...

Đáp lại yêu cầu mới nhất của Ba Lan, chính phủ Đức cùng ngày tuyên bố lập trường của nước này vẫn không thay đổi, rằng việc bồi thường đã khép lại và bác bỏ lời kêu gọi đàm phán của Warsaw.

EU nhất trí, công dân Nga sẽ không còn dễ dàng được cấp visa

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức nói rằng vào năm 1953, Ba Lan đã quyết định bỏ những yêu cầu với Đông Đức.

Phe đối lập tại Ba Lan thì cho rằng báo cáo mới được PiS đưa ra chỉ nhằm tạo hiệu ứng chính trị trong nước, khi cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm sau.

Ông Donald Tusk, Chủ tịch đảng đối lập chính Nền tảng Công dân và là cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói: “Sáng kiến của PiS về việc bồi thường chiến tranh đã xuất hiện trong nhiều năm, mỗi khi PiS cần xây dựng một câu chuyện chính trị. Việc này không phải nhằm đòi bồi thường từ Đức mà là chiến dịch chính trị để tái xây dựng sự ủng hộ của đảng cầm quyền thông qua chiến dịch chống Đức”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.