Ba lĩnh vực kinh tế then chốt để Mỹ tiếp tục trừng phạt Triều Tiên

04/12/2017 10:21 GMT+7

Ngay sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới hôm 29.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt lớn hơn nữa đối với nước này.

Tổng thống Donald Trump không cung cấp chi tiết về các biện pháp chế tài mới, nhưng sau một loạt các đợt trừng phạt đã được Liên Hiệp Quốc (UN) đưa ra trong năm nay, các chuyên gia cho rằng sẽ có ít lựa chọn hơn để Washington nhắm mục tiêu vào Bình Nhưỡng.
Dưới đây là ba lĩnh vực then chốt mà Mỹ vẫn có thể tận dụng để thắt chặt nguồn thu kinh tế phục vụ cho việc xây dựng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, theo tổng hợp từ CNN.
Các ngân hàng Trung Quốc
Chính phủ Mỹ từ lâu đã muốn các ngân hàng Trung Quốc ngừng kinh doanh với cá nhân và công ty Triều Tiên. Anthony Ruggiero, thành viên cao cấp của Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, tin rằng các ngân hàng Trung Quốc là chìa khóa cung cấp hệ thống kênh tài chính cho phép Triều Tiên đối phó với lệnh trừng phạt. Ông Ruggiero từng nêu ý kiến rằng, Bộ Tài chính Mỹ nên chặn một số ngân hàng Trung Quốc hoặc đóng băng tài sản của họ ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể đưa ra hàng tỉ USD tiền phạt, tương tự như những khoản phạt đối với các ngân hàng châu Âu trong những năm gần đây vì đã giao thương với Iran.
“Những hình phạt như thế có thể gây tổn hại tới uy tín của các ngân hàng Trung Quốc đã giúp Triều Tiên rửa tiền. Hiện vẫn còn nhiều điều cần phải làm trên mặt trận trừng phạt. Người Trung Quốc biết điều đó và họ dường như đang khá lo sợ về những rủi ro sắp tới”, ông Ruggiero viết.
Nguồn cung dầu
Nhập khẩu dầu rất quan trọng đối với kinh tế và quân sự của quốc gia Đông Á. Trung Quốc là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Triều Tiên, và tất nhiên Mỹ sẽ muốn chấm dứt điều này. “Đó sẽ là một bước quan trọng trong nỗ lực của thế giới nhằm ngăn chặn các hành động đe dọa an ninh”, Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói.
Được biết, Bắc Kinh đã cam kết giảm một số chuyến hàng vận chuyển dầu sang Triều Tiên, nhưng họ không muốn ngưng hoàn toàn việc cung cấp dầu. Hơn nữa, cũng rất khó để theo dõi những diễn biến thực tế vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không cung cấp dữ liệu hải quan về lượng dầu xuất khẩu cho nước láng giềng.
Theo một số chuyên gia, việc ngưng hoàn toàn việc cung cấp dầu cho Triều Tiên là một làn ranh đỏ mà Trung Quốc không sẵn sàng bước qua.
Các công ty vận chuyển của Triều Tiên
Chính quyền Tổng thống Trump hồi đầu tháng này đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số công ty vận chuyển Triều Tiên, cáo buộc các công ty này đã vận chuyển nhiều chuyến hàng hóa khác nhau từ Trung Quốc. UN trước đó cũng đã đưa các tàu vận chuyển của quốc gia khép kín nhất thế giới vào danh sách đen. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hình thức trừng phạt như vậy rất khó thực thi và không thực sự hiệu quả.
Theo báo cáo của Robert Huish, giáo sư nghiên cứu phát triển quốc tế của Đại học Dalhousie, các tàu thương mại Triều Tiên thường treo cờ của các quốc gia khác và chúng thường đăng ký hoạt động ở nước ngoài. “Các tàu chở hàng của Triều Tiên thường sử dụng kế hoạch hoặc thông tin xác định mang tính đánh lạc hướng để trốn tránh lệnh trừng phạt”, ông Huish viết.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 29.11 đã đề xuất rằng Mỹ nên tăng cường các nỗ lực chặn tàu vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên. “Nếu điều đó xảy ra, mọi thứ có thể sẽ nóng lên thật. Một mặt, đây là cách thông minh để gây sức ép mà không đụng trực tiếp đến Bình Nhưỡng. Nhưng mặt khác, Triều Tiên có thể tuyên bố rằng các hành động đó là bất hợp pháp và sẽ có động thái đáp trả”, theo Stephan Haggard, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học California, San Diego.
Song, vẫn có không ít các ý kiến nghi ngờ về tinh hiệu quả của các biện pháp chế tài dành cho Triều Tiên. “Triều Tiên đã quen với việc bị trừng phạt và cô lập. Do đó, trừng phạt thêm cũng không đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán hoặc từ bỏ chương trình hạt nhân”, John Delury, giáo sư Đại học Yonsei tại Hàn Quốc, chia sẻ.
Ông Delury không phải là người duy nhất hoài nghi. Andrei Lankov, giáo sư Đại học Kookmin ở Seoul, người trước đây từng học ở Triều Tiên, nhận xét rằng các biện pháp trừng phạt cho đến nay “đã không thực sự thành công” và ông không mong chờ các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên sẽ dừng lại sớm. “Không có số phiếu nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, của tổng thống, hay các tuyên bố gay gắt sẽ thay đổi thực tế đó”, ông Lankov viết.

tin liên quan

Tăng trưởng kinh tế: Vũ khí bí mật của Triều Tiên
Trong khi Liên Hiệp Quốc đang áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân, nhiều người đặt câu hỏi vì sao những lệnh trừng phạt như thế thất bại trong hơn một thập niên qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.