Ba, mạ và chiếc điện thoại

21/10/2017 12:08 GMT+7

Dì út bồng tôi từ lúc còn nhỏ, oặt ẹo như một tàu lá chuối non hơ lửa, lên ba vẫn chưa ngồi được, đút gì cũng không ăn, dì tôi hỏi: “Chứ rứa thì con ưng ăn chi?”. Cái miệng tôi rổn rảng: “Con ăn gan trời thôi!”.

Dì tôi nghe không giận, chỉ đứng dậy thở dài: “Chừ có ai đổi dì lấy gan trời thì dì cũng đổi để cho con ăn”. Dì tôi sợ tôi không sống được.

tin liên quan

Cha và con gái 6 lần phẫu thuật trong 1 tháng
Đó là hoàn cảnh thương tâm của anh Nguyễn Văn Khánh (31 tuổi) và cháu Nguyễn Thị Cẩm Ly (7 tuổi), hiện ngụ tổ 24, thôn 4, xã Bình Giang, H.Thăng Bình (Quảng Nam).
Ghẻ sài đầy mình, đến nỗi dì phải cho tôi nằm trên tấm lá chuối cho... khỏi dính.
Ba năm sáu tháng.
Một ngày bỗng nhiên tôi đứng dậy và không thèm ngồi, cứ thế đi luôn. Dì tôi bảo hóa ra cái thằng này lâu nay nhác chứ không phải bệnh tật gì. Từ đó, tôi có tên thằng Nhác.
Không những đi, tôi đọc và… viết luôn, chữ đẹp nhất làng, ai cũng đến bắt tôi viết để coi.
Mười tuổi, tôi dắt em gái lên tám đi K8 (hồi đó chiến tranh ác liệt, con cán bộ được chọn đưa ra bắc tránh bom đạn, gọi là giữ hạt giống đỏ cho quê hương). Xe đến Lệ Kỳ (Đồng Hới) bị bom. Tôi lấy thân che cho em gái. Tưởng chết, hóa ra vẫn sống, đội đất đứng dậy, đi tiếp.
Vào bộ đội, đánh nhau tóe lửa. Nghe tin tôi hy sinh ở chiến trường, mạ tôi đâm ra hút thuốc. Hằng đêm, bà ngồi bên bậu cửa, dõi mắt vào nam, nơi bom đạn đì đoàng, rồi quấn thuốc rê.
Tôi không thể nghĩ mình sống đến ngày giải phóng, thế mà chỉ bị thương chút đỉnh, và sống. Mạ tôi bỏ thuốc, nói bây về tau phải sống lâu hơn.
Một lần, sếp tôi bảo: “Tôi với ông mà sống được đến sau giải phóng là lãi rồi. Bây giờ sau giải phóng đã hơn 40 năm, lãi to!”.
Tôi mang ơn cuộc đời quá nhiều nên sống như để trả nợ. Cũng có nhiều người sống không tốt với mình nhưng tôi bao giờ cũng lấy cái tốt đối xử với người chưa tốt. Đến nỗi, có một thời gian khá dài, vợ tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao tôi lại có thể tốt với những con người xấu với mình như thế. Nhưng rồi thời gian qua đi, vợ tôi biết tôi đã đúng.
Đó là nhờ học mạ tôi.
Và tôi cũng nhận được nhiều ân huệ từ cuộc đời.
Tôi rất mực yêu con, như thể ngày xưa mạ tôi, dì tôi yêu tôi vậy.
May mắn nhất trong cuộc đời là con tôi biết điều đó.
Tôi không muốn con tôi lấy tôi và vợ tôi làm chuẩn mực, không muốn con dựa dẫm vào cái bóng của ba mẹ. Chỉ muốn con không nghe điều xấu, chỉ nghe những điều tốt về ba mình, và sống tốt hơn thế.
Một lần, có một người không thích tôi, nhìn hai đứa con tôi vui cười với nhau mà thốt lên: “Nụ cười như thế thì không thể là người xấu được”. Hình như anh ta đang nhìn con tôi và sám hối.
Tôi là một đứa trẻ con nhiều tuổi.
Lúc trẻ, đang yêu đương rồi sau đó lấy người mình yêu làm vợ, chưa bao giờ nói với người yêu, với vợ một câu cho ngọt ngào. Một là nói trống không, hai là xưng ba mẹ… Con lớn lên tí nữa thì gọi mẹ xưng anh, bây giờ con trai đã có thể gọi là người lớn thì… bỗng nhiên gọi vợ là em và xưng anh tự nhiên như lâu nay vẫn thế.
Điều quan trọng đó là bản năng tôi, chứ hoàn toàn không phải cố tình mà được.
Tôi ảnh hưởng mạ tôi nhiều nhất.
Mạ tôi sống quảng đại, hay bỏ qua lỗi lầm của người khác.
Mạ tôi nói với chúng tôi, cả dâu rể trong nhà, bây phải nhìn ba bây mà sống. Cả đời ba chưa nói một tiếng nặng với mạ. Thỉnh thoảng mạ có bày chuyện gây, ba lại nhịn. Sau đó, mạ lại nói với ba, hôm qua tui nói rứa là hơi quá, đừng để bụng nghe. Ba nói, ba để bụng thì bụng bội thực rồi còn mô nữa.
Mạ tôi thương tôi nhất, trong lúc đau ốm thập tử nhất sinh, bà nói với vợ tôi, cái thằng đó oặt ẹo từ nhỏ, tau tưởng hắn không sống nổi, chừ hắn như rứa là mừng rồi. Tính hắn lại ương ngạnh, đến gan trời cũng đòi ăn, con biết rứa để mà sống với nó.
Thời khốn khó, lo đủ ăn đã là khó, tôi đi bộ đội về, ba tôi bảo cho tôi vào cơ quan ông làm để có lương phụ giúp gia đình, mạ tôi không chịu, bảo nó học đại học quân sự sau ni ai dùng, phải đi học đại học bên dân sự. Không những thế, bà còn một mực bắt anh em tôi phải đi học, xong phổ thông phải học đại học. Có lúc 3 - 4 đứa đang cùng đại học một lần. Ba tôi đi biền biệt, mạ tôi vẫn ráng sức nuôi con.
Lớn lên đứa nào cũng có việc làm ổn định nhưng mỗi đứa một phương. Và mạ tôi chỉ có một niềm mong ước duy nhất là được gặp con.
Hồi đó mạ tôi nằm Bệnh viện T.Ư Huế rất lâu. Mạ bị thiếu tiểu cầu, nhưng cứ truyền vào được vài ngày thì tiểu cầu lại tụt xuống rất thấp.
Hôm bệnh viện hết máu để lọc tiểu cầu, tôi gọi mấy đứa sinh viên thường hay hiến máu lên giúp, xui thế nào đứa lại không cùng nhóm máu, đứa thì sức khỏe không được tốt…

tin liên quan

Ngày của Cha: Thầy tôi
Tôi gọi cha tôi 1 bằng 'thầy', vì ông cụ muốn tôi nhớ lại gốc gác của mình từ một làng nào đó ở đất Nghệ An. 
Rốt cục chỉ còn lại tôi.
Bệnh viện lọc tiểu cầu của tôi truyền cho mạ.
Nhớ lời sếp tôi dặn: “Em ơi, còn mẹ phải cố mà giữ lấy, cuộc đời không còn mẹ thấy không còn ý nghĩa gì đâu ông ơi”.
Đêm đêm ngồi nhìn mạ, lòng quặn thắt. Cố giữ nhưng cuối cùng tôi đã không giữ được.
Mạ đi, mang theo trong cơ thể những phần tử li ti chiết ra từ dòng máu của đứa con trai đầu, đó là niềm an ủi cuối cùng của tôi trong nỗi đau không gì bù đắp được.
Mùa Vu lan báo hiếu ai cũng nói đến ba mẹ, nhưng khi ba mẹ còn song toàn những đứa con như chúng ta thường hay sao nhãng.
Nhớ câu chuyện, có người cha cầm điện thoại ra tiệm sửa, người thợ nói điện thoại vẫn sử dụng bình thường, không hư, ông hỏi lại: “Điện thoại bình thường sao tôi không nhận được cuộc gọi nào của con tôi?”.
Nghe đau đớn biết chừng nào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.