Bà My bánh khọt 'thấy ai nghèo khó là cho không lấy tiền' giữa Sài Gòn

28/10/2018 12:38 GMT+7

Mỗi ngày, hễ bán ế là bà Nguyễn Thị My (67 tuổi) đều rong ruổi với chiếc xe đạp chở đầy bánh xèo, bánh khọt đi rao khắp nơi. Khi thấy ai nghèo khó, kể cả học sinh, sinh viên, bà My đều cho chứ không lấy tiền.

Lưng còng nặng gánh mưu sinh

Hôm nay, trên con đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tấp nập hàng quán, tôi chợt thấy một ngôi nhà nhỏ số 207 đông đúc người ra vào. Không một biển hiệu lớn lấp lánh những ánh đèn, chỉ đơn giản là một tấm bảng để trên vỉa hè: “Bánh xèo miền Tây - Bánh khọt - Kính mời”.

Đó là nơi mà người ta đến để ăn những chiếc bánh xèo, bánh khọt vì tình thương dành cho một bà cụ tuổi đã xấp xỉ 70 và cũng chính là nơi mà bà Nguyễn Thị My cùng chồng bà mưu sinh gần một năm nay.

Bà My sinh ra và lớn lên ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Tuy có gia đình, con cái đầy đủ nhưng vì con cái đều có cuộc sống riêng và hoàn cảnh của mỗi người cũng nghèo khó nên bà không muốn trở thành gánh nặng cho con mình.

Một phần bánh khọt như thế này có giá chỉ 20.000 đồng

“Tôi muốn nhìn thấy con cái sống an tâm, hạnh phúc, muốn thấy những đứa cháu của mình có điều kiện học hành thật tốt nên đã nói dối và lén con lên Sài Gòn đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lúc nào con tôi gọi, tôi cũng nói là mình ổn và sống tốt lắm nhưng tôi bị bệnh cột sống. Cột sống thường xuyên đau nhức nên tôi không thể ngồi thẳng lưng được. Bởi vậy cái lưng nó còng như vậy luôn. Tôi sợ mấy đứa con phải lo lắng và tốn kém tiền bạc để chữa trị cho mình nên tôi muốn tự đi làm để sớm có tiền mổ lưng”, bà My chia sẻ.

Bà cho biết, ngày nào cũng bán ế, có khi chỉ bán được vài ba cái bánh, có khi cũng chỉ được 100.000 - 200.000 đồng. Mỗi ngày bà dọn hàng từ 8 giờ sáng nhưng đến tầm 4 - 5 giờ chiều vẫn không bán được hết nên sau đó bà phải đẩy xe đạp đi dọc các con đường ở quận Bình Thạnh đến tận khuya để bán.

Bà cũng chia sẻ đi đêm khuya như vậy khiến bà thường xuyên phải gặp nhiều nguy hiểm. Có hôm bà bị người ta giựt hết số bánh chưa kịp bán. Có hôm vì bà sợ tiếng còi xe nên ngã khiến bánh đổ hết ra đường. Có hôm bà bán được nhiều tiền, vừa dừng bên vỉa hè để đếm từng đồng bạc lẻ ấy thì bị người ta chạy xe ngang qua lấy mất. Vậy nên hôm nay, quán của bà đông khách hơn một chút, bà đã mừng đến rơi nước mắt vì không phải đẩy xe đi bán khuya nữa.

Vừa trò chuyện với tôi, đôi tay bà vẫn thoăn thoắt đổ từng chiếc bánh cho khách. Hôm nay khách đến đông khiến bà rất hạnh phúc. Ngồi trước cái chảo dầu nóng hừng hực, từng giọt mồ hôi rơi trên trán bà nóng hổi nhưng bà lúc nào cũng vui vẻ và không quên cảm ơn từng người một.

Hễ cứ bưng một chiếc bánh đến bàn ai bà đều nói với họ: “Cảm ơn tụi con đã đến ủng hộ bà. Hôm nay bà mừng đến muốn khóc rồi”. Mỗi lần như vậy, tôi đều thấy đôi mắt bà long lanh nước.

Tình người tươi thắm giữa Sài Gòn

Cũng như chia sẻ của bà, hôm nay khách đến đông một cách bất ngờ. Chỉ mới tầm 20 giờ 30 là bánh đã hết sạch và bà đã phải dọn quán. Bình thường, giờ này bà vẫn còn lang thang ngoài đường và phải năn nỉ người ta mua cho.

Hôm nay bà vui mừng vì không phải đẩy xe đi bán dạo nữa. Bà đến từng bàn cảm ơn những vị khách tốt bụng đã giúp đỡ bà
Những hôm bán khuya, đạp xe khắp nơi hễ gặp người vô gia cư hay học sinh, sinh viên, bà My tặng bánh luôn chứ không lấy tiền. Hỏi những người khách đến ăn hôm nay, tôi mới biết hóa ra họ vô tình đọc được bài chia sẻ của trên Facebook về bà nên tìm đến ăn để giúp đỡ.

Người Sài Gòn từ nhiều nơi tấp nập dừng lại góc phố nhỏ để cùng nhau san sẻ với bà My, tình cảm ấy vô cùng đáng quý. Bạn Nguyễn Hồng Thắm (19 tuổi, một vị khách đến quán), bày tỏ: “Thấy bà tội nghiệp, già rồi vẫn còn đẩy xe đi bán suốt đêm nên hôm nay mình quyết định đến ủng hộ bà. Bánh của bà làm rất ngon và bà dễ thương, thân thiện, tốt bụng vô cùng”.

Bà Nguyễn Thị My và chồng mình cười hạnh phúc vì nhận được sự giúp đỡ của nhiều người tốt

Mỗi người một phần bánh xèo hay bánh khọt đều đã mang đến một nụ cười dành cho bà cụ. Lòng nhân ái giữa con người với con người không chỉ đến từ những người khách của ngày hôm nay mà còn cả những người khách đã từng giúp đỡ bà và của một ai đó đã dùng mạng xã hội một cách đúng đắn và tích cực.

Bà tâm sự: “Ngày hôm qua tôi đẩy xe đi bán, có một cậu bé ngồi xe lăn nói với tôi rằng cha cậu bé thích ăn bánh này nhưng vì không có tiền nên không thể mua cho cha. Nghe vậy tôi thấy mấy đứa trẻ bây giờ hiếm có ai đi ăn mà nghĩ cho cha mẹ lắm, nên tôi đã cho cậu bé luôn hai cái để cậu bé có thể tặng cho cả cha lẫn mẹ của mình”.

Đối với bà, hoàn cảnh của mình không là gì so với những số phận bất hạnh khác. Dù có nghèo khổ thì lúc nào bà cũng nghĩ rằng vẫn còn nhiều người nghèo khổ hơn cả bà. Vì vậy bà luôn muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn dù phần thiệt thòi có về mình đi nữa.

Bà My cho rằng vì mình nghèo, nên mình hiểu cái nghèo rõ hơn ai hết. Tuy không đủ giàu có để giúp đỡ người khác bằng tiền bạc, vật chất nhưng bà luôn mang đến cho người khác những chiếc bánh được đúc ra từ chính lòng tốt của mình. Và chính lòng tốt ấy đã giúp bà nhận lại được những tình yêu thương mà mọi người đã dành cho bà ngày hôm nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.