Đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (1957-2017), Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định truy tặng Giải thưởng Hội Nhà văn cho một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hi sinh hoặc đã mất từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ và sau hòa bình. Báo Thanh Niên trân trọng giới thiệu với bạn đọc chân dung 3 nhà thơ tiêu biểu trong phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do trong các đô thị miền Nam trước năm 1975, qua các bài viết của nhà thơ Thanh Thảo.
Cách đây đúng 45 năm, khi đang ở chiến trường Nam bộ và đang viết cho Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng, tôi đã có bài viết về bài thơ bất tử Thưa mẹ, trái tim của cố thi sĩ Trần Quang Long. Sau giải phóng, tôi ra Hà Nội và gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Ngô - một chiến hữu và người bạn của Trần Quang Long trong phong trào sinh viên Huế và Sài Gòn. Anh Ngô mời tôi đi uống cà phê và đưa lại cho tôi… bài viết của tôi về bài thơ của Trần Quang Long. Anh Ngô nói: “Mình làm biên tập ở Đài Giải phóng nên có bản thảo này. Đây là bài viết rất hay, chứng tỏ tác giả đồng cảm với thơ Trần Quang Long. Bọn mình hồi ấy đều máu lửa nhiệt huyết như vậy”.
|
Không phải tới lúc ấy tôi mới thấu hiểu giá trị xuyên thời gian của bài thơ Thưa mẹ, trái tim, nhưng qua nhận xét của anh Nguyễn Hữu Ngô, tôi thêm một lần khẳng định sự bất tử của bài thơ này.
Nhân kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, tôi muốn một lần nữa cùng bạn đọc trở lại với bài thơ này, trở lại với không khí những tháng năm tranh đấu vì độc lập tự do ngay trong lòng các đô thị lớn miền Nam.
Thưa mẹ, trái tim
Thưa mẹ
năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu
công danh gì chẳng có
cuộc sống lại cơ cầu
bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
lây lất chẳng ra sao
mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức
chắc gì mẹ gặp con đâu
anh Cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc
người chết triền đồi, người chết lũng sâu
chỉ còn tờ điện tín xanh lạnh lùng để lại
Bây giờ con sống đây
bên những người đã chết
bên những người đang chết
cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen
con mang máng thấy mình còn sống
khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim
Và con đếm nhịp trái tim
trong cơn hấp hối
những nhịp im lìm như móng chân rắn mối
bước vào trong nỗi ăn năn
những nhịp băn khoăn
như những lá rơi tình đầu chờ đợi
những nhịp giận dỗi
thuở con thơ đòi mẹ bế bồng
những nhịp ngoan hiền như gió thoảng bờ sông
căn nhà mình, mẹ con cơm cá
và con rùng mình những âm thanh lạ
xoáy tròn trong mỗi thớ tim
Con nghe tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm
quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn
oanh tạc vùng tình nghi
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya
từng tràng cười ré lên như địa ngục
những tiếng cười xen vào tiếng nấc
thằng bé con lượm mẩu bánh mì rơi
Con nghe tiếng người quằn quại kêu la
những tràng súng vô nhân giữa lòng đô thị
bắn chết trẻ em, ông lão, bà già
rồi “bồi thường xứng đáng”
câu chuyện sẽ dần qua
Con nghe giữa phố phường
lựu đạn cay và đá, chai độc thoại
máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em
Con đang nghe trái tim
nổ tung từng mảnh vụn
máu từng dòng im lìm
máu từng dòng phẫn nộ
Trên bàn tay con đó
trên dải đất khô cằn
trên mặt mày khốn khổ
trên cuộc sống lầm than
Mẹ ơi, con của mẹ
chỉ còn có trái tim
sẽ sống nhờ trái tim
sẽ chết nhờ trái tim
Là tâm hồn con đó
là vần thơ con đây
bài học i tờ ngày xưa mẹ dạy
con viết thành lời đắng cay
dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp
con luyện thành lời hăng say
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
xuyên vào gan lũ giặc
con sẽ mài thơ như kiếm sắc
chặt đầu văn nghệ tay sai
trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
con xin nguyện trọn đời
dùng chính quả tim mình làm trái phá
sống chết một lần thôi
Con sẽ chết như những người đã chết
và những người đang chết
nhưng trái tim con
sẽ đời đời bất diệt
dẫu đã nổ tan tành
dẫu đã khô máu hết
Vì mẹ ơi, con biết
trái tim con là thơ
trái tim con là rừng là núi
là lúa là ngô là cam là bưởi
là quá khứ, là tương lai
là khổ đau, là hạnh phúc
là đấu tranh, là bất khuất
Trái tim là của con người
viết lịch sử mình trên mặt đất
bằng từng nét máu thắm tươi. (Trần Quang Long)
năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu
công danh gì chẳng có
cuộc sống lại cơ cầu
bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
lây lất chẳng ra sao
mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức
chắc gì mẹ gặp con đâu
anh Cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc
người chết triền đồi, người chết lũng sâu
chỉ còn tờ điện tín xanh lạnh lùng để lại
Bây giờ con sống đây
bên những người đã chết
bên những người đang chết
cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen
con mang máng thấy mình còn sống
khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim
Và con đếm nhịp trái tim
trong cơn hấp hối
những nhịp im lìm như móng chân rắn mối
bước vào trong nỗi ăn năn
những nhịp băn khoăn
như những lá rơi tình đầu chờ đợi
những nhịp giận dỗi
thuở con thơ đòi mẹ bế bồng
những nhịp ngoan hiền như gió thoảng bờ sông
căn nhà mình, mẹ con cơm cá
và con rùng mình những âm thanh lạ
xoáy tròn trong mỗi thớ tim
Con nghe tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm
quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn
oanh tạc vùng tình nghi
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya
từng tràng cười ré lên như địa ngục
những tiếng cười xen vào tiếng nấc
thằng bé con lượm mẩu bánh mì rơi
Con nghe tiếng người quằn quại kêu la
những tràng súng vô nhân giữa lòng đô thị
bắn chết trẻ em, ông lão, bà già
rồi “bồi thường xứng đáng”
câu chuyện sẽ dần qua
Con nghe giữa phố phường
lựu đạn cay và đá, chai độc thoại
máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em
Con đang nghe trái tim
nổ tung từng mảnh vụn
máu từng dòng im lìm
máu từng dòng phẫn nộ
Trên bàn tay con đó
trên dải đất khô cằn
trên mặt mày khốn khổ
trên cuộc sống lầm than
Mẹ ơi, con của mẹ
chỉ còn có trái tim
sẽ sống nhờ trái tim
sẽ chết nhờ trái tim
Là tâm hồn con đó
là vần thơ con đây
bài học i tờ ngày xưa mẹ dạy
con viết thành lời đắng cay
dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp
con luyện thành lời hăng say
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
xuyên vào gan lũ giặc
con sẽ mài thơ như kiếm sắc
chặt đầu văn nghệ tay sai
trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
con xin nguyện trọn đời
dùng chính quả tim mình làm trái phá
sống chết một lần thôi
Con sẽ chết như những người đã chết
và những người đang chết
nhưng trái tim con
sẽ đời đời bất diệt
dẫu đã nổ tan tành
dẫu đã khô máu hết
Vì mẹ ơi, con biết
trái tim con là thơ
trái tim con là rừng là núi
là lúa là ngô là cam là bưởi
là quá khứ, là tương lai
là khổ đau, là hạnh phúc
là đấu tranh, là bất khuất
Trái tim là của con người
viết lịch sử mình trên mặt đất
bằng từng nét máu thắm tươi. (Trần Quang Long)
Theo hồi ký của anh Lê Hiếu Đằng - một người bạn thân, bạn tranh đấu của Trần Quang Long, thì bài thơ Thưa mẹ, trái tim được sáng tác trong khoảng thời gian 1966-1967. Theo anh Lê Hiếu Đằng, đó là bài thơ “có sức lay động dữ dội mà sinh viên học sinh Sài Gòn cũng như ở các thành thị miền Nam đã trích một số câu để sử dụng như là khẩu hiệu hành động, thúc giục sinh viên học sinh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại mà tiến lên...”.
Như thế, năm nay 2017 bài thơ Thưa mẹ, trái tim đã ở vào tuổi 50, cái tuổi “tri thiên mệnh” của đời người. Theo một định nghĩa về thơ từ thi hào Pháp Louis Aragon, thì bài thơ của Trần Quang Long thuộc dạng thơ “nói thẳng, nói hết, nói một lần cho tất cả”. Năm 1972, khi viết bài báo về bài thơ này của Trần Quang Long, tôi ở vào tuổi 26, đúng cái tuổi của Trần Quang Long khi công bố bài thơ. Đó là cái tuổi đầy nhiệt huyết, không một chút toan tính cho riêng mình, cái tuổi mà người ta có thể “xuống đường” như Trần Quang Long, hay xuống chiến trường đồng bằng như tôi. Vì sau khi viết bài báo về bài thơ Trần Quang Long cho chương trình binh vận của Đài phát thanh, tôi đã hăng hái đi xuống chiến trường Mỹ Tho. Hình ảnh người sinh viên-nhà thơ yêu nước Trần Quang Long luôn cổ vũ tôi trong những bước đường gian khổ nhất. Đó là bài thơ dành cho cả một thế hệ, và dành cho từng người trong thế hệ đó. Anh Lê Hiếu Đằng viết về giây phút cuối đời của Trần Quang Long: “Thật kỳ lạ, đêm trước buổi sáng oan nghiệt đó, Long nhận được thư của Quỳnh Như (vợ Trần Quang Long-con gái của GS Tôn Thất Dương Kỵ) và hình của đứa con trai đầu lòng mới được mấy tháng tuổi. Long vui như mở hội đem khoe với chúng tôi. Quỳnh Như đã đặt tên cho con là Xuân Thắng, như là một thông điệp gửi cho Long và bạn bè trong chiến khu niềm tin về một mùa xuân thắng lợi. Nhưng đau đớn và xót xa biết bao khi Long đã cùng Trần Triệu Luật ngã xuống vào buổi sáng 11-10-1968 sau một trận đánh bom ác liệt của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (B9). Quả bom 500kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15m. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã hi sinh như thế đó...”.
|
49 năm sau ngày Trần Quang Long hi sinh, tôi lại muốn trở về với bài thơ đã 50 tuổi của anh. Một bài thơ trong trẻo suốt từ câu đầu tới câu cuối. Một bài thơ hừng hực lửa mà người ta chỉ viết ra một lần, xuất ra một lần, rồi ngắt. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn nhớ từng đoạn thơ trong bài thơ ấy.
Người ta chỉ có thể đi lên từ chính số phận của mình. Trần Quang Long với số phận hiện lên ở phần đầu bài thơ, đã đi tới một quyết định dấn thân gần như không thể khác: “Nếu thơ con bất lực/con xin nguyện trọn đời/dùng chính quả tim mình làm trái phá/sống chết một lần thôi”. Đó là trái tim một người thanh niên yêu nước có một số phận cụ thể, một nỗi uất hận và một khát khao cụ thể, chứ không hề là kết quả của tuyên truyền. Đã có một thời như thế với những con người như thế, ngay tại các đô thị miền Nam. Với những thanh niên sinh viên học sinh yêu nước trong các vùng Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát, bài thơ Thưa mẹ, trái tim là sáng rõ từ đầu chí cuối, không cần phải bình giảng hay phân tích gì thêm. Họ đồng cảm với bài thơ không chỉ từ lời chữ trong bài thơ, mà từ trái tim từ dòng máu đỏ bật sáng trong từng câu thơ. Không phải nhà thơ nào cũng có thể viết được một bài thơ như thế. Thơ Trần Quang Long gợi tôi nhớ đến thơ của các nhà thơ Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến chống phát xít Franco, khi những nhà thơ quyết không lùi, và cũng không có đường lùi.
“Trái tim là của con người/viết lịch sử mình trên mặt đất/bằng từng nét máu thắm tươi”. Trần Quang Long đã thành người phát ngôn của cả một thế hệ thanh niên yêu nước. Anh sẽ sống mãi cùng bài thơ Thưa mẹ, trái tim của anh.
Bình luận (0)