Nhưng nếu chúng ta muốn kỷ niệm mấy chục năm đổi mới văn học hay đổi mới thơ, thì cái này lại rất khó. Vì, đổi mới văn học không thể cùng lúc với đổi mới chính trị-xã hội. Nó có thể đến trước hoặc đến sau công cuộc Đổi Mới viết hoa này. Tôi còn nhớ, năm 1982 tôi viết trường ca Đêm trên cát về “một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát”. Sau này nhiều người nói tôi viết trường ca ấy “báo trước đổi mới”. Thực ra, tôi có biết gì sự nghiệp Đổi Mới được khởi lên mãi 4 năm sau, năm 1986, để viết “báo trước” cơ chứ? Tôi chỉ viết, thế thôi. Và tôi nghĩ, có lẽ các nhà thơ nhà văn khác cũng vậy. Nếu ai cao giọng nói mình viết tác phẩm đổi mới “cùng Đổi Mới của đất nước” thì hãy nghe một tai thôi, vì có thể “nói zậy mà không phải zậy” đâu à! Văn học đúng là có khả năng tiên báo, nhưng vì lĩnh vực văn học tiên báo nó rộng quá, nên thật khó để nói văn học có thể tiên báo những gì cụ thể. Khi tôi viết Đêm trên cát không khí trong tác phẩm đúng là bức bối, ngột ngạt, nhưng nó thuộc về thế kỷ thứ 19, nên cũng không rõ thế nào. Có thể nó liên hệ với cái bức bối ngột ngạt của “đêm trước Đổi Mới” chăng? Tôi đâu có biết. Nhưng tôi biết, chính công cuộc Đổi Mới của đất nước đã khiến nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam bắt đầu nghĩ khác và viết khác. Nghĩ khác, thì có thể họ đã nghĩ ra từ trước Đổi Mới khá lâu. Nhưng viết khác, thì đúng là từ 1986 về sau, chúng ta mới được đọc nhiều tác phẩm văn học sau này được xếp vào “văn học thời kỳ Đổi Mới”.
|
Riêng về thơ, thì do tính nhạy cảm đặc biệt của thể loại văn học này, nên thơ Việt Nam đã hưởng ứng công cuộc Đổi Mới một cách vừa nhanh nhẹn vừa tháo vát, đúng phong cách một anh lính trang bị vũ khí nhẹ nhưng luôn được xung phong lên trước. Nhưng đổi mới một số bài thơ, một số bút ký, một số truyện ngắn thì chưa phải là đổi mới văn học. Đó là cuộc đổi mới không viết hoa nhưng lại cần rất nhiều thời gian, cần trải nghiệm, cần tích chứa, cần va chạm, cần cả đổ vỡ, để có thể ra đời những tác phẩm văn học. Và cũng rất cần không khí chính trị-xã hội, cần sự chấp nhận ở mức độ nào đó, cần cả những điều kiện vật chất cũng ở mức độ nào đó, để có thể ra đời tác phẩm. Với thơ, có lẽ không cần nhiều thứ đến như vậy, nhưng vẫn cần, kể cả cần những rào cản. Chẳng phải, nhờ có những rào cản thời Liên Xô mà Boris Pasternak phải liên tục “vượt qua các rào cản” để tác phẩm của ông bây giờ trở thành kinh điển. Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn - nhà văn Nga được cho là báo trước thời đại “hậu Staline” - nhận giải Nobel Văn học năm 1970, còn trước đó một con giáp, năm 1958 Boris Pasternak được trao giải Nobel nhưng ông không nhận vì không muốn rời xa tổ quốc mình. Pasternak đã “chấp nhận thương đau” nhưng không vì thế mà văn học thế giới thiếu vắng một nhà thơ thiên tài và một nhà văn kiệt xuất. Mãi tới thời “glasnoc” và “perestroika” thì Liên Xô mới thực sự Đổi Mới, nhưng trước đó rất lâu văn học Nga đã có hai cây đại thụ là Pasternak và Solzhenitsyn, và phải kể ngay tới Iosif Brodsky - nhà thơ Nga thiên tài cũng được giải Nobel năm 1987, người đã coi mình như may mắn được sống sót của thế hệ mình, khi đọc diễn từ Nobel tại Stockholm: “Nhưng không phải toàn bộ thế hệ ấy đã bị thiêu hủy, chí ít ra là ở nước Nga - thì ở đây lại là công lao của thế hệ tôi, để hôm nay tôi còn được xuất hiện ở nơi đây. Chỉ riêng việc tôi được đứng đây bây giờ trước quý vị chính là sự thừa nhận công lao ấy đối với văn hóa nói chung, văn hóa thế giới nói riêng…”.
|
Thì ra, đổi mới thơ không chỉ là đổi mới thơ, mà còn góp phần đổi mới văn hóa nói chung. Vì thế, không thể ngày một ngày hai, không thể vội vã. Với văn xuôi cũng vậy.
Với thơ, cái khó nhất để thay đổi, hay để đổi mới, chính là thi pháp. Không đổi mới được thi pháp thì coi như chưa đổi mới được thơ. Từ sau năm 1986, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ 20, qua 15 năm của thế kỷ 21, thơ Việt Nam đã tự đổi mới được nhiều. Sáng tác văn học là sự nghiệp của cá nhân, mỗi nhà văn nhà thơ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Vì vậy, sự đổi mới cũng phải bắt đầu từ cá nhân nhà văn hay nhà thơ, chứ không có chuyện “đổi mới theo phong trào”. Nếu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đưa ra được những mới lạ về thi pháp từ Sự mất ngủ của lửa được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993, thì sau đó, không ít nhà thơ trẻ đã làm thơ “theo kiểu Nguyễn Quang Thiều”. Nhưng bây giờ cũng chỉ Nguyễn Quang Thiều còn lại. Vì thơ không bao giờ chấp nhận phong trào, không chấp nhận phiên bản, không chấp nhận cả sự ồn ào thiếu tinh chất. Nếu tính về số lượng, thì những nhà thơ “sau Đổi Mới” đông gấp trăm lần những nhà thơ “trước Đổi Mới”. Nhưng thơ tính chất lượng chứ không tính số lượng. Và một số nhà thơ trẻ “sau Đổi Mới” đã thể hiện được “chất lượng mới” của thơ mình. Đó mới là điều căn bản.
Người ta nói bây giờ các nhà thơ trẻ viết nhiều về tâm trạng cá nhân mà ít quan tâm tới thời cuộc, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Một số nhà thơ nổi trội trong những năm gần đây viết về rất nhiều mảng đề tài khác nhau. Họ quan tâm tới thời cuộc nhiều hơn chúng ta tưởng. Nhưng họ bắt đầu đề tài thời cuộc từ tâm trạng cá nhân. Đó là điều khác biệt với nhiều nhà thơ lớp trước họ. Thơ họ không còn là thơ tuyên truyền, kể cả tuyên truyền bảo vệ môi trường, mà nó là thơ tâm trạng. Có thể tâm trạng trước thời cuộc, có thể tâm trạng trước tình yêu hay sự thất vọng. Có thể tâm trạng trước một cái cây vừa bị đốn chặt tại Hà Nội, hay tâm trạng về những con cá chết tại Vũng Áng Hà Tĩnh. Nó gay gắt hơn, nhọn sắc hơn, thậm chí trắng trợn hơn thơ của lớp nhà thơ “trước Đổi Mới”. Điều đó có thể không mới với thơ thế giới, nhưng mới với thơ Việt Nam. Tôi nghĩ, như thế cũng là đổi mới. Sự “cởi trói” nào đó trong văn học được nói tới nhiều nhưng tôi chưa kịp nhận ra. Từ ngày có cao trào Đổi Mới. Nhưng tôi nhận ra ngay những tác phẩm nào thuộc “dòng đổi mới”. Ở đây là đổi mới văn học, chứ không đơn thuần đổi mới đề tài hay quan điểm chính trị. Có một nhà thơ trẻ (bây giờ đã sồn sồn) là Đinh Thị Như Thúy, thơ chị đã lặng lẽ đổi mới về thi pháp, nhưng vẫn lặng lẽ giữ vững hồn cốt tâm hồn Việt. Có một nhà thơ nữ khác là Nguyễn Thúy Quỳnh, tôi cứ tưởng chị còn trẻ, nhưng năm nay đã ngót 50 rồi. Thơ Thúy Quỳnh cũng lặng lẽ đổi mới về thi pháp, và lặng lẽ hướng về nhân dân, hướng về những người nghèo, những người “đi bên lề” trong xã hội hôm nay. Còn những nhà thơ trẻ hơn mà tôi không thể kể hết tên, nhưng đọc thơ họ thấy khác hẳn thơ của những nhà thơ lớp trước. Đó là điều tự nhiên, không có gì đáng buồn hay đáng vui. Vì cuộc sống luôn luôn phát triển, và đổi mới văn học là nhu cầu tự thân.
|
Có điều, văn học chỉ chấp nhận và dung hợp những tài năng, còn thì mọi sự coi như Nguyễn Du từng nói “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Có thể Nguyễn Du khiêm nhường, có thể Nguyễn Du kiêu ngạo, nhưng câu thơ ông nói về những mất mát hiển nhiên trong văn học, trong thơ. Đổi mới là đương nhiên, nhưng để còn lại, đó mới là điều quan trọng. Và cực khó. Có những nhà thơ chả đổi mới gì cả, nhưng thơ họ còn lại. Tôi nghĩ trong số đó, có thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Nói vậy chứ “không phải zậy”, vì thơ Nguyễn Khoa Điềm những năm sau này cũng đã tự đổi mới rất nhiều, so với Mặt đường khát vọng.
Với thơ, không ai nói trước được điều gì. Nhưng có lẽ, văn học, trong đó có thơ, phải cảm ơn công cuộc Đổi Mới. Vì từ đó, văn học Việt Nam đã khởi sắc. Cũng từ đó, thơ ca Việt Nam xuất hiện hàng loạt nhà thơ trẻ với cách viết mới, cảm nhận mới, tư duy khác, và cách đưa thơ mình tiếp cận công chúng cũng khác. Họ còn rất nhiều thời gian trước mặt, để thay đổi cũng như để khẳng định thơ mình. Cái họ còn mà lớp nhà thơ như chúng tôi không còn, đó là tuổi trẻ. Bây giờ có muốn trở lại thời tuổi trẻ để… chơi cho sướng, cũng không được nữa. Nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã mất, nhiều người lâm trọng bệnh. Nhưng thơ chỉ là thơ, nó khắc nghiệt tới mức có vẻ như không quan tâm gì tới số phận nhà thơ, mà chỉ lạnh lùng xét thơ của họ: còn hay mất. Thế thôi. Vì thế, với thơ, phải hết sức bình tĩnh. Mọi sự sốt ruột đều vô ích. Đổi mới không phải là sốt ruột. Nhất là đổi mới thơ.
Bình luận (0)