Bà Nguyễn Phương Hằng 'tố' Đàm Vĩnh Hưng: Thông tin tài khoản ngân hàng là bí mật

Phan Thương
Phan Thương
28/08/2021 06:19 GMT+7

Xung quanh vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng nói, đang giữ 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng về số tiền từ thiện, đặt ra vấn đề về tình huống pháp lý.

Tối 24.8, mạng xã hội lại một lần nữa "dậy sóng" khi trong buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam), khẳng định đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, với số tiền ca sĩ này nhận từ thiện lên đến 96 tỉ đồng, chứ không phải 1,8 tỉ đồng như Đàm Vĩnh Hưng từng công bố.
Bà Hằng nêu trong buổi livestream rằng, nếu Đàm Vĩnh Hưng không công khai bản sao kê tổng số tiền từ thiện anh nhận được, bà sẽ tung bằng chứng và nhờ pháp luật can thiệp.
Ngược lại, trên Facebook cá nhân của mình, Đàm Vĩnh Hưng thể hiện sẽ nhờ pháp luật chứng minh sự trong sạch của mình. Cụ thể, Đàm Vĩnh Hưng nêu: “Tôi Huỳnh Minh Hưng - tức Đàm Vĩnh Hưng sẽ chính thức mang câu chuyện này ra pháp luật, để chứng minh sự trong sạch của mình và lột trần trụi sự vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác của cô Nguyễn Phương Hằng”.
Việc “đưa nhau ra pháp luật” là câu chuyện cá nhân giữa bà Nguyễn Phương Hằng và Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng trước tuyên bố bà Nguyễn Phương Hằng đang giữ sao kê tài khoản ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng, là vấn đề đáng quan tâm.

Đối tượng được cung cấp thông tin

Một lãnh đạo Agribank chi nhánh TP.HCM cho biết, Điều 14 về “bảo mật thông tin” theo luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đồng thời, ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Phân tích chi tiết hơn, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho hay, Nghị định 117/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng nêu rõ, các ngân hàng chỉ cung cấp thông tin khách hàng thuộc một trong các trường hợp: tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội. Chẳng hạn: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan Thi hành án, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế...; có sự chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng; người đại diện hợp pháp của khách hàng.

Tuyệt đối bảo mật

Theo các chuyên gia pháp lý, tất cả thông tin của khách hàng là tuyệt đối bảo mật. Vì vậy, khi vi phạm sẽ bị chế tài nghiêm khác.
Cụ thể, về xử phạt hành chính, LS Nguyễn Minh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, thông tin về tài khoản ngân hàng là những thông tin vô cùng quan trọng và phải tuyệt đối bí mật. Việc trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng không chỉ vi phạm nguyên tắc hoạt động ngành ngân hàng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tài chính cho người bị mất thông tin. Vì vậy, Điều 47 Nghị định 88/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng quy định của pháp luật”.
“Đây là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, còn tổ chức vi phạm thì gấp đôi so với mức phạt cá nhân”, LS Hùng nói.
Về xử lý hình sự, LS Hùng đánh giá, người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” theo Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất 7 năm tù. Hơn nữa, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Đồng thời, mọi hành vi để lộ thông tin tài khoản khách hàng, gây thiệt hại thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự năm 2015”, LS Hùng nhấn mạnh.
Tối 27.5, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thông tin đã tìm ra nhân viên ngân hàng để lộ thông tin tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh và đăng lên mạng xã hội. Sau đó, MB đã đình chỉ công việc cá nhân này và tổ chức thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất, đồng thời đã chuyển hồ sơ sang CQĐT.
TAND Q.1 (TP.HCM) đang thụ lý vụ án “tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu (62 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây) và bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng. Tháng 5.2021, bà Giàu khởi kiện, yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần, với số tiền 1.000 tỉ đồng; buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nguyên đơn và thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn; buộc bà Nguyễn Phương Hằng công khai xin lỗi và cải chính thông tin trên mạng YouTube.
Theo bà Giàu, trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vào ngày 14.5, bà Hằng đã đề cập tên mình, và có lời lẽ bịa đặt, xúc phạm danh dự, uy tín của bà cũng như thương hiệu sản phẩm do doanh nghiệp bà sản xuất.
Tháng 6.2021, ca sĩ Vy Oanh cũng gửi đơn đến Công an TP.HCM tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng đã dùng những từ ngữ phản cảm, xúc phạm như nói mình là "gái bao", "giật chồng", "làm vợ bé", "đẻ thuê cho đại gia"... Từ đó, nhiều đối tượng đã lập hội nhóm trên Facebook, YouTube... đăng lại những video livestream của bà Hằng và làm những clip đặt tiêu đề bôi nhọ, lăng mạ Vy Oanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.