Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói về Thủ Thiêm: ‘Không có khi nào nghe rồi để đó’

Đình Phú
Đình Phú
23/06/2020 17:18 GMT+7

Thêm một lần nữa tại tiếp xúc cử tri ở Q.2 (TP.HCM), vấn đề Thủ Thiêm tiếp tục có nhiều ý kiến bức xúc chất vấn về sự chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại.

Trong số 19 ý kiến cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP.HCM vào sáng nay tại Q.2 (TP.HCM), có hơn 10 ý kiến tập trung nói về vấn đề Thủ Thiêm. Trong đó có ý kiến của cử tri nhắc lại những lời hứa của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM trong những lần tiếp xúc trước đây.
Hầu hếu các ý kiến nêu ra, đều có liên quan đến 3 vấn đề lớn có phát sinh khiếu nại dai dẳng: ranh của 5 khu phố 3 phường (5 khu phố này thuộc 3 phường: Bình Khánh, An Khánh và Bình An; lân cận khu phố 1 rộng 4,3 ha của P.Bình An đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh Thủ Thiêm); 160 ha đất tái định cư ở Thủ Thiêm “còn hay đã mất”; pháp lý bồi thường, giải tỏa nhà đất các hộ dân Thủ Thiêm).

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói về "bài học" sau sai phạm ở Thủ Thiêm

“Chúng tôi vẫn đồng hành”

Các ý kiến của cử tri đề cập đến vấn đề Thủ Thiêm cũng bức xúc cho rằng, các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP.HCM, trong đó có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã từng nhiều lần hứa với cử tri về việc đốc thốc giải quyết, tuy nhiên đến nay đã sau rất nhiều năm, nhiều khiếu nại của người dân vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, khiến quyền lợi và đời sống của họ bị ảnh hưởng.

Cử tri nêu ý kiến phản ánh tại buổi tiếp xúc

Ảnh: ĐỘC LẬP

Phúc đáp ý kiến của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay bà cũng như các đại biểu đã nghe nhiều lần phản ánh của cử tri về Thủ Thiêm. Bà và các đại biểu tiếp tục lắng nghe, chuyển tải các ý kiến đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
“Đặc biệt đối với UBND TP.HCM, chúng tôi cũng thường xuyên đúc thốc thực hiện các kết luận của T.Ư, cũng như đề nghị xem xét các kiến nghị của cô, bác cử tri. Thưa với cô, bác cử tri, chúng tôi vẫn đồng hành, vẫn tiếp tục cùng với cô, bác để làm sao thành phố mình và cả với một số cơ quan ban ngành T.Ư tập trung giải quyết vấn đề Thủ Thiêm đảm bảo đúng quy định pháp luật”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Có điều cái lỗi của đại biểu ở đây mà tôi rất là trăn trở, đó là những vấn đề mà mình đề xuất, những vấn đề mà cô, bác phản ánh nhiều lần, mình có đeo bám nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm

Về vai trò, trách nhiệm của người dân có liên quan, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thêm: “Quyền và nghĩa vụ của người dân phải được song hành, nghĩa là người dân chấp hành đúng quy định pháp luật thì các cơ quan nhà nước giải quyết ý kiến của cô, bác cũng phải đúng pháp luật. Tinh thần là như vậy. Mà như cô, bác nói, đây là một vấn không phải dễ, đã kéo dài nhiều năm nhưng chúng ta phải kiên trì. Không có khi nào nghe rồi để đó. Chúng tôi cố gắng đeo bám để vấn đề Thủ Thiêm được giải quyết đúng quy định pháp luật”.

“Cần phải có đối thoại”

Về vấn đề sai lệch hồ sơ (đền bù, giải tỏa) mà cử tri phản ánh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Như trong những lần tiếp xúc trước, tôi vẫn yêu cầu UBND TP.HCM và UBND Q.2 nếu còn ý kiến của cô, bác phản ánh về sai lệch hồ sơ, có nghĩa là vấn đề kiểm đếm, lập hồ sơ của chính quyền mà người dân chưa đồng ý, chưa đồng ý chỗ nào…, thì cần phải có đối thoại, gặp gỡ để gặp nhau ở chỗ này”.

Sau buổi tiếp xúc, có cử tri còn mang hồ sơ khiếu nại tiếp tục phản ánh với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

Ảnh: ĐỘC LẬP

“Sắp tới, tôi sẽ cùng với một số đại biểu trong tổ đại biểu Quốc hội và HĐND sẽ xem xét lại, tiếp tục tiếp xúc với cô, bác cử tri từng nhiều phản ánh về việc sai lệch hồ sơ, rà soát lại, giám sát lại. Tôi chỉ xin nói như vậy thôi”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, bà và các đại biểu không chỉ tiếp chung cử tri mà còn bố trí tiếp riêng để nghe cô, bác cử tri Thủ Thiêm nói về vấn đề này (vấn đề Thủ Thiêm), một số buổi tiếp riêng có sự tham dự của giám đốc các sở ngành.

"Tôi dùng thuật ngữ trường ca Thủ Thiêm là vậy"

Trong khi đó, tại buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói: “Tôi dùng thuật ngữ trường ca Thủ Thiêm là vậy, vì vấn đề này đã kéo quá dài”.
Thừa nhận “sự khổ than của bà con là quá sức chịu đựng rồi”, ông Khuê cam kết trách nhiệm chuyển tải tất cả ý kiến cử tri đến các cấp lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Theo ông Khuê, đối với vấn đề Thủ Thiêm, TP.HCM đã vào cuộc, xem xét toàn diện để hiểu vấn đề vì sao cử tri bức xúc nhiều. TP.HCM hình thành các tổ công tác, thường trực là UBND Q.2 làm cầu nối ghi nhận, chuyển tải ý kiến người dân đến cấp có thẩm quyền giải quyết…
“Thành phố luôn nỗ lực xây dựng cuộc sống người dân trên địa bàn nói chung và Thủ Thiêm nói riêng cùng phát triển vì tương lai của thành phố. Với Thủ Thiêm, đúng chỗ nào, sai chỗ nào, chỗ nào cần xem xét bổ sung cũng đã được nhận diện”, ông Khuê nói và cho rằng việc giải quyết tồn tại ở Thủ Thiêm “không vì cái sai này mà dẫn đến cái sai khác, nên thận trọng trong giải quyết. Mong cử tri bình tĩnh, cùng nhau giải quyết”.
Khẳng định không có sự tách biệt giữa chính quyền và người dân, các cơ quan chức năng không hề có sự tránh né, thường xuyên lắng nghe, soát xét, vận dụng trong điều kiện tốt tối đa cho người dân khi giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, ông Khuê cho biết trong tháng 7 tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ đối thoại với người dân về việc trong ranh, ngoài ranh Thủ Thiêm (5 khu phố thuộc 3 phường).

Thủ Thiêm - Đau đáu giấc mơ trong những căn nhà tạm bợ - Video tư liệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.