Bà Rịa-Vũng Tàu: Quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

25/10/2023 17:00 GMT+7

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết định phê duyệt đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Gian hàng đổi rác lấy quà của Huyện đoàn Côn Đảo – Ảnh: N.L

Gian hàng đổi rác lấy quà của Huyện đoàn Côn Đảo

Ảnh: N.L

Theo số liệu thống kê năm 2022, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2022, khối lượng phát sinh khoảng 1.590 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt tại Bà Rịa-Vũng Tàu hầu như chưa được phân loại hoặc được phân loại nhưng chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên hiệu quả còn chưa cao.

Để thực hiện yêu cầu công tác quản lý chất thải rắn và công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của pháp luật, việc xây dựng đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cần thiết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết mục tiêu tổng quát của đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý môi trường bảo đảm tính thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn; Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước;

Áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn; Ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.

Túi ni lông tan trong nước, là sản phẩm bảo vệ môi trường – N.L

Túi ni lông tan trong nước, là sản phẩm bảo vệ môi trường

Ảnh: N.L

Tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…

Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.

Không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỉ lệ rác thải nhựa xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Đối với các huyện nông thôn mới, tỉ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn bằng hoặc hơn 40%.

Đối với các xã nông thôn mới, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định đạt hơn 90%, đối với các xã nông thôn mới nâng cao thì đạt hơn hoặc bằng 98%. 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Công nhân thu gom rác ở Bãi Trước, TP.Vũng Tàu – N.L

Công nhân thu gom rác ở Bãi Trước, TP.Vũng Tàu

Ảnh: N.L

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phấn đấu 100% túi ni lông thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học.

Gia đoạn đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa mục tiêu tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn khu đô thị, nông thôn trên địa bàn đạt hơn 50%. Duy trì 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

 




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.