Ba Huân đòi trả lại 32,5 triệu USD
|
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng vào đầu tháng 7, Công ty Ba Huân nêu rõ: Thay vì mục tiêu hợp tác cùng phát triển, hỗ trợ Ba Huân xây dựng thương hiệu quốc tế như ban đầu thì VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt “thương hiệu Ba Huân” đã được xây dựng gần 50 năm ở VN thông qua những đề nghị vô lý và có biểu hiện không tôn trọng pháp luật VN.
Theo văn bản trên, nội dung hợp đồng giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt có một số điểm không giống nhau và không như trao đổi ban đầu giữa hai bên. Cụ thể, VinaCapital “tự động” đưa vào tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22%/năm, gấp 3 lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Phía Công ty Ba Huân nhấn mạnh: Tỷ suất lợi nhuận này là con số kỳ vọng riêng của VinaCapital, hoàn toàn không phù hợp với thỏa thuận giữa hai bên. VinaCapital còn hạn chế hoạt động công ty bằng việc loại bỏ các ngành nghề kinh doanh trước đó, chỉ giữ lại sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà. VinaCapital cũng ra điều kiện Ba Huân chịu phạt trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 3 năm từ khi nhận vốn đầu tư.
Văn bản của Công ty Ba Huân nêu: “Chúng tôi đã đề nghị chấm dứt hợp tác đầu tư nhưng VinaCapital trì hoãn, gây khó khăn. Đặc biệt phía VinaCapital yêu cầu Ba Huân phải thanh toán các khoản phí phát sinh dựa trên lãi suất rất cao ở mức 22%/năm cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm, trong khi thực tế khoản tiền đầu tư trên vẫn đang được giữ tại tài khoản do VinaCapital kiểm soát. Việc VinaCapital yêu cầu Ba Huân trả lãi suất cao gần gấp 3 lần lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cho khoản tiền mà Ba Huân không có quyền sử dụng độc lập và thực tế chưa hề sử dụng là vô căn cứ”. Theo bản kiến nghị, Ba Huân mong muốn Thủ tướng và các tổ chức liên quan xem xét hỗ trợ chấm dứt hợp đồng với VinaCapital.
Cùng ngày hôm qua, đại diện quỹ đầu tư VinaCapital cho biết đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, và các thành viên hội đồng quản trị công ty này vào chiều 6.8. Hai bên cùng thống nhất chưa đưa các thông tin có thể gây bất lợi cho đối tác. Phía VinaCapital khẳng định hai bên sẽ cố gắng sớm đạt được các thỏa thuận chung.
Thương vụ đầu tư vào Ba Huân của Vietnam Opportunity Fund (quỹ đầu tư lớn nhất của VinaCapital) đã được công bố hoàn tất vào cuối tháng 2.2018 với trị giá 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân, tương đương 33,77% vốn công ty.
Doanh nghiệp Việt còn “non”
|
TS Lê Đạt Chí phân tích: Đối với việc gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tài chính hay các quỹ đầu tư, DN phải hiểu được bản chất của các vòng gọi vốn như thế nào, tương ứng với giai đoạn phát triển nào. Mỗi giai đoạn đầu tư sẽ tương ứng với các điều kiện ràng buộc cụ thể. Ở giai đoạn phát triển đầu tiên của DN, các nhà đầu tư tài chính thường ít đặt chỉ tiêu về lợi nhuận mà chủ yếu đặt ra chỉ tiêu về doanh thu, thị phần, lượng khách hàng mới... Nhưng đến giai đoạn sau thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) sẽ luôn là chỉ tiêu quan trọng bên cạnh các điều kiện ràng buộc khác. Nếu sau đó DN không đạt được các chỉ tiêu kinh doanh thì sẽ bị phạt hoặc bị thay thế ban điều hành. Vì vậy, bản thân DN gọi vốn đầu tư hay đưa cổ phần ra bán mà không am hiểu các giai đoạn gọi vốn hay bản chất đầu tư của các quỹ thì sẽ dễ bị “sụp bẫy”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng nếu như đã thỏa thuận hợp đồng được lập bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh thì khi chưa ký đủ hai văn bản thì xem như hợp đồng vẫn chưa hoàn thành. Hơn nữa, nếu DN chứng minh được mình bị đối tác lừa đảo hoặc bị nhận thức nhầm về số tiền trong hợp đồng, loại tiền tệ sử dụng... thì có thể yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng đã ký vô hiệu.
Quan trọng hơn, theo luật sư Đức, qua vụ này có thể thấy DN Việt vẫn “non” trước các đối tác, nhất là những quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Bản thân nhiều DN trong nước cũng chưa quan tâm nhiều đến khung pháp lý liên quan các thỏa thuận hợp tác, đầu tư góp vốn.
Bình luận (0)