Sáng 15.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, ngoài chịu tác động của bối cảnh chung như các địa phương khác thì có một số vấn đề mà TP.HCM phải chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống, môi trường, dịch bệnh.
Trong đó, dịch bệnh Covid-19 từ ca bệnh đầu tiên vào tháng 12.2020 đến cao điểm tháng 4 - 10.2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng gia đình, người dân thành phố.
Trong bối cảnh khó khăn đó, bà Trương Thị Mai đánh giá Thành ủy TP.HCM đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật như: nghiêm túc triển khai nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; cụ thể hóa 51 đề án, chương trình của Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Nếu như năm 2021, tăng trưởng kinh tế bị âm 6,78% thì sang năm 2022, tăng trưởng hơn 9,3%, còn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,5%. TP.HCM cũng quan tâm đầu tư hạ tầng, giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Đối với một số mô hình mới, bà Trương Thị Mai đánh giá mô hình chính quyền đô thị đến nay cơ bản vận hành thông suốt. Tuy nhiên, TP.HCM cần tiếp tục đánh giá, đề xuất mô hình hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn. "Hiện quận, phường không còn HĐND, vai trò đại diện thay mặt giám sát là đại biểu Quốc hội, HĐND TP.HCM. 249 phường thuộc phạm vi giám sát là thách thức lớn", bà Mai đánh giá.
Đối với TP.Thủ Đức, bà Trương Thị Mai cho biết đây là thành phố trong thành phố đầu tiên cả nước, khi mới hoạt động vẫn còn nhiều khó nên cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, rút kinh nghiệm.
Chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ tới
Nêu một số nhiệm vụ sắp tới, bà Trương Thị Mai cho biết hội nghị giữa nhiệm kỳ của Trung ương Đảng sẽ bổ sung chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa con người. Như vậy, nước ta sẽ có 4 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa con người.
Bà Trương Thị Mai đề nghị, Thành ủy TP.HCM tiếp tục gắn kết mục tiêu, chỉ tiêu của nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị cùng Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế, điểm nghẽn, không để ảnh hưởng đến cơ hội phát huy các tiềm năng của TP.HCM.
Bởi lẽ, sự phát triển của TP.HCM không chỉ cho người dân TP.HCM hiện nay, trong tương lai mà còn góp phần to lớn với sự phát triển đất nước và khu vực Đông Nam bộ.
"Sự phát triển của thành phố có sức lan tỏa, động viên, thúc đẩy cho khu vực Đông Nam bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam", bà Trương Thị Mai đánh giá.
Nhấn mạnh công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", bà Trương Thị Mai đề nghị TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị nguồn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, hết sức chú trọng đến cán bộ có phẩm chất tốt, đạo đức trong sáng, có năng lực nổi trội, dám dấn thân, dám hy sinh, nhất là vào những thời điểm khó khăn.
"Qua một trận đại dịch, TP.HCM có những cán bộ nổi bật, dám nghĩ dám làm, dám hành động thì cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bồi dưỡng", Thường trực Ban Bí thư lưu ý.
Đối với một số chỉ tiêu dự báo khó đạt, bà Trương Thị Mai đề nghị TP.HCM cần tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn.
"Cái gì thuộc nội lực thì thành phố tập trung, quyết tâm làm ngay. Cái gì liên quan đến Trung ương thì khẩn trương kiến nghị, phối hợp để có giải pháp thúc đẩy", bà Trương Thị Mai lưu ý.
Bình luận (0)