Bà Trương Thị Mai: 'Người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng'

08/04/2023 16:15 GMT+7

'Tôi hay nói với các nữ đại biểu Quốc hội là đừng để đưa vào vì cơ cấu mà phải đưa vào vì chất lượng, tiêu chuẩn', Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chia sẻ.

Sáng 8.4, Thành ủy TP.HCM tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới". Đến dự và trực tiếp chia sẻ có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng dự.

Nghị quyết 11 năm 2007 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Dù vậy, nhiều mục tiêu của Nghị quyết 11 về công tác cán bộ nữ chưa đạt. Đến năm 2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Bà Trương Thị Mai: 'Người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng' - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chia sẻ về công tác cán bộ nữ tại hội nghị sáng 8.4

NGUYÊN VŨ

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết, Chỉ thị 21 tiếp tục yêu cầu hoàn thiện luật pháp, chính sách, đặc biệt là bình đẳng giới; xây dựng sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam, chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao…

Nói về tỉ lệ 35% nữ giới ứng cử trong các cơ quan dân cử, bà Trương Thị Mai khẳng định, con số này đồng nghĩa với việc sẽ có những thay đổi trong chính sách dành cho phụ nữ, trẻ em.

"Tôi hay nói với các nữ đại biểu Quốc hội là đừng để đưa vào vì cơ cấu mà phải đưa vào vì chất lượng, tiêu chuẩn. Như vậy mới giá trị, còn đưa vào vì cơ cấu thì giá trị không cao. Người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng", Thường trực Ban Bí thư chia sẻ.

Bà Trương Thị Mai đề nghị cần bổ sung và thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, thách thức về chính sách pháp luật, tính bền vững của kết quả đạt được, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và nữ...

Bình đẳng trong quy hoạch cán bộ nữ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng tình với các ý kiến trao đổi về việc cần quan tâm hơn đến công tác cán bộ nữ, xác định tỷ lệ nữ trong quy hoạch cán bộ.

Nghị quyết 11 nêu rõ, người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm đối với công tác cán bộ nữ, làm tốt công tác đào tạo nguồn quy hoạch. Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ xử lý người đứng đầu, thậm chí là chế tài nghiêm khắc nếu tổ chức Đảng không đưa cán bộ nữ đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch.

Bà Trương Thị Mai: 'Người ta bỏ phiếu cho mình phải vì mình thật sự xứng đáng' - Ảnh 2.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai trao đổi với cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý việc xây dựng chính sách dành cho cán bộ nữ phải công bằng, hợp lý và bình đẳng, bởi lẽ phụ nữ thời nay rất bản lĩnh, họ không muốn nhận những gì mình không làm được hay chỉ nhận ưu đãi về mặt chính sách.

Tính đến tháng 4.2021, dân số nữ cả nước hơn 49,5 triệu người, chiếm 50,4% tổng dân số, tỷ số giới tính 98,4 nam/100 nữ, tỷ lệ lao động nữ chiếm 47,4% lực lượng lao động.

Về công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị, tính đến ngày 31.12.2021 có hơn 1,3 triệu người, gồm hơn 107.000 công chức và hơn 1,2 triệu viên chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.