Bắc bộ trong mắt người Pháp

03/09/2012 03:15 GMT+7

Thủ công, mỹ nghệ và quy trình sản xuất là linh hồn của triển lãm về đời sống thị dân và nông dân Bắc bộ đầu thế kỷ 20.

Giờ đây, khi làng tranh Đông Hồ chỉ còn lại vỏn vẹn 2 người bán tranh, khách đến làng chẳng mấy khi gặp dịp xem họ in tranh nữa. Cũng như thế, nhịp chày Yên Thái nổi tiếng trong màn sương Tây Hồ cũng chỉ còn là những điều vang bóng một thời. Vì thế, việc ngay giữa Thành cổ Hà Nội (số 9 Hoàng Diệu) có thể xem lại những gì vang bóng của thời xưa trở thành một duyên may.

Những tác phẩm trích từ cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam, tác giả Henri Oger, in trên giấy dó ở đây không đơn giản chỉ là một vài hình vẽ. Chính xác hơn, nó là những hình vẽ đặt liên hoàn để mô tả những nghề, những phong tục, những tập quán ở Bắc bộ mà trung tâm là Hà Nội. Hình vẽ mô tả khoa học, song lại đặt trên một mường tượng mặt bằng hai chiều đậm tư tưởng khoáng hoạt dân gian. “Có thể nói đấy là những nét vẽ hạnh phúc”, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ nói.

 Bắc bộ trong mắt người Pháp
Một bức in giới thiệu đèn lồng và thiết bị thắp sáng của người Việt - Ảnh: Trinh Nguyễn

 

Triển lãm Một vài nét về đời sống thị dân và nông dân Bắc bộ đầu thế kỷ 20 qua tranh khắc của Henri Oger dự kiến kéo dài từ dịp Quốc khánh đến tết Nguyên đán tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, 9 Hoàng Diệu, Hà Nội. Triển lãm có 56 pa nô, 71 hiện vật, 4 phim video cùng hệ thống bài viết giới thiệu đời sống vật chất, tinh thần và kỹ nghệ của thị dân Hà Nội và vùng phụ cận.

Qua các bức vẽ tại triển lãm, chúng ta được nghe kể lại chi tiết cuộc sống hằng ngày của người Hà Nội. Đời sống ấy phong phú với hàng trăm loại mũ và nghệ thuật búi tóc cầu kỳ. Chúng ta cũng được xem từ đồ chơi, nhạc cụ đến đồ nghi lễ hay bình rượu quê hương. Thế giới tâm linh của người Việt, niềm tin Phật giáo trong phong tục thờ cúng tổ tiên cũng hiện diện nơi đây. “Trong thế giới của đức tin và những vị thần thánh ấy còn có cả những thầy bói, thầy phù thủy, những ông đồng bà cốt”, đại diện Ban tổ chức cho biết.

“May mắn thay, các đồng nghiệp của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã sáng tạo vượt ra ngoài các bản vẽ của Oger”, TS Philippe Le Failler - một trong hai tác giả đã sưu tầm và biên soạn cuốn Kỹ thuật của người An Nam nói. Quả là như vậy, khi không gian triển lãm trở nên phong phú hơn nhờ những bức ảnh, 4 bộ phim tài liệu cùng thời kỳ và những hiện vật, dụng cụ, nguyên liệu và thành phẩm được sưu tập công phu từ chính các làng nghề. Điều này chứng tỏ nghề truyền thống vẫn đang sống. Nghề được lưu truyền và bí quyết về sự lành nghề vẫn thế, đồng thời nhiều cải tiến kỹ thuật đã ra đời cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Tôi đặc biệt chú ý đến những thước phim quay năm 1930 về nghề thủ công ở Hà Nội. Đấy là những tư liệu quá quý”, GS Phan Huy Lê nói về 4 đoạn phim được chiếu trong một gian phòng riêng của triển lãm. Chỉ là phim đen trắng, hoàn toàn không có bóng dáng người nước ngoài, tiếng nước ngoài chen vào, đây là những tư liệu quý về nghề thủ công tại Hà Nội và vùng lân cận. Đoạn phim do một người Pháp quay được, do TS Philippe Le Failler và bạn bè sưu tập được. Nó cho thấy bằng ảnh động một phần nền văn minh vật chất của người Việt hồi thế kỷ 20. Nền văn minh ấy, giờ chỉ còn lại lác đác vài chấm phá.

Trinh Nguyễn

>> Làng tranh Đông Hồ nhộn nhịp cho lễ Vu Lan
>> Dung dị làng tranh Đông Hồ
>> Tranh cãi bản quyền triển lãm ảnh Hà Nội
>> Triển lãm ảnh về Trường Sa

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.