Bắc Giang đề nghị chuyển thêm ca bệnh bạch hầu về tuyến T.Ư điều trị

11/07/2024 10:51 GMT+7

Cơ quan y tế Bắc Giang đã liên hệ với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) để chuyển thêm một ca bệnh bạch hầu lên tuyến T.Ư. Đây là ca bạch hầu thứ 2 ghi nhận tại địa phương trong khoảng 1 tuần qua.

Theo thông tin từ cơ quan y tế, hôm qua 10.7, các cơ quan y tế tỉnh Bắc Giang đã liên hệ với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) để chuyển thêm ca bệnh bạch hầu lên tuyến T.Ư theo dõi, điều trị. Đây là ca bệnh bạch hầu thứ 2 ghi nhận tại Bắc Giang trong khoảng 1 tuần gần đây.

Bắc Giang đề nghị chuyển thêm ca bệnh bạch hầu về tuyến T.Ư điều trị- Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trao đổi về chẩn đoán điều trị bệnh bạch hầu

CDC BẮC GIANG

Báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, trường hợp thứ 2 mắc bạch hầu ở tỉnh này là B.H.G (nữ, 29 tuổi; tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại xóm Cọi, xã Yên Phú, H.Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) là nhân viên một quán internet ở xã Hợp Thịnh.

Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân G. từng tiếp xúc gần với ca dương tính bạch hầu là chị Moong Thị B. (18 tuổi; tạm trú tại xã Hợp Thịnh, H.Hiệp Hòa). Chị B. là một trong 2 người tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại H.Kỳ Sơn (Nghệ An).

Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại Nghệ An, Bắc Giang

Ngày 7.7, sau khi biết thông tin bệnh nhân B. dương tính bệnh bạch hầu, chị G. đi khai báo dịch tễ tại Trạm Y tế xã Hợp Thịnh, sau đó về cách ly tại phòng trọ. Chị G. được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 vào ngày 7.7 và có kết quả âm tính.

Chiều 9.7, chị G. được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và ngày 10.7 có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu.

Bắc Giang đề nghị chuyển thêm ca bệnh bạch hầu về tuyến T.Ư điều trị- Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, ổ dịch bạch hầu là nơi có từ 1 ca bệnh bạch hầu

TL

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, cả 2 bệnh nhân dương tính bạch hầu tại Bắc Giang được điều trị kháng sinh sớm, đều có sức khỏe ổn định. Trong đó, bệnh nhân B đã đủ điều kiện sức khỏe chuyển về theo dõi sức khỏe, cách ly y tế tại Nghệ An hôm 9.7.

Cách ly y tế 14 ngày

Theo quy định của Bộ Y tế về giám sát dịch bạch hầu, tại ổ dịch, cần lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần; tổ chức cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe người tiếp xúc gần trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh. Hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần để xét nghiệm.

Sử dụng kháng sinh dự phòng trong ổ dịch cho tất cả người tiếp xúc gần và những người có liên quan dịch tễ trong ổ dịch càng sớm càng tốt, tùy theo người bệnh cụ thể để chỉ định phù hợp.

Ổ dịch bạch hầu là một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) ghi nhận từ 1 ca bệnh xác định trở lên. Ổ dịch kết thúc khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày ca bệnh cuối cùng được cách ly y tế.

Trước diễn biến ghi nhận các ca bạch hầu, trong đó có ca tử vong tại Nghệ An, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế của Nghệ An và Bắc Giang khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10.7.2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Đề nghị Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang khi có các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu, cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...

Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

(Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.