Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại Nghệ An, Bắc Giang

Liên Châu
Liên Châu
11/07/2024 08:09 GMT+7

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế hai tỉnh khẩn trương tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh này.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đề nghị tăng cường chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại Nghệ An, Bắc Giang- Ảnh 1.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị ngành y tế Nghệ An và Bắc Giang tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời ca bệnh bạch hầu

KCB

Công văn nêu, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10.7.2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại Nghệ An, Bắc Giang

Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...

Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 7.7, tỉnh Bắc Giang xác định chị Moong Thị B. (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) dương tính với bạch hầu. Chị B. là một trong 2 trường hợp tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại H.Kỳ Sơn.

Sau khi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), bệnh nhân đã chuyển về Nghệ An để theo dõi, cách ly y tế và có sức khỏe ổn định, không triệu chứng.

Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. 

Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. 

Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%. 

(Bộ Y tế)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.