Người lớn có cần tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh bạch hầu?

10/07/2024 08:06 GMT+7

Sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời, trẻ cần tiêm nhắc một mũi vắc xin có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vắc xin có thành phần bạch hầu 10 năm/lần.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang ghi nhận chị M.T.B (18 tuổi) dương tính với bạch hầu. Chị B. tạm trú tại tỉnh Bắc Giang, ngày 25-28.6 về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng ký túc xá với một nữ sinh mắc bạch hầu, sau đó đã tử vong.

Chị B. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, điều trị do tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Tại tỉnh Nghệ An, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khẩn cấp truy vết và xác định 119 người có tiếp xúc gần với ca bệnh tử vong do bạch hầu.

Người lớn có cần tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh bạch hầu?- Ảnh 1.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhỏ, bao gồm vắc xin có thành phần bạch hầu để ngừa lây nhiễm, ngăn dịch bạch hầu bùng phát

L.C

Nhiều biến chứng nguy hiểm, gây tử vong

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây truyền nhanh, gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo.

Bệnh gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… Trong đó, có khoảng 70% người mắc bạch hầu họng. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh Bệnh bạch hầu không dễ lây như Covid nhưng phải phát hiện sớm

Với thể bạch hầu họng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, mệt, chán ăn, họng đỏ. Sau 2-3 ngày, mặt sau hoặc hai bên thành họng xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà, xám. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu, có thể phình to gây tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp, tử vong cho người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, đột ngột trụy tim mạch dẫn đến tử vong...

Theo BS Chính, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Tiếp theo là các các biến chứng thần kinh chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng.

Trẻ em và người lớn tuổi cần lưu ý

Bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%, lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Theo BS Chính, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch… khi bị bệnh bạch hầu có nguy cơ tử vong cao hơn.

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Bệnh cũng lây gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng, đồ chơi dính dịch tiết chứa vi khuẩn sau đó đưa tay lên mũi, miệng.

Người lớn có cần tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh bạch hầu?- Ảnh 2.

Trẻ cần tiêm nhắc một mũi vắc xin có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi

P.L

Vắc xin là biện pháp an toàn

Để phòng bệnh bạch hầu lây lan trong cộng đồng, BS Chính khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ vắc xin và tiêm nhắc lại theo thời gian khuyến cáo là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ đến 97%. Cơ thể chỉ cần 2-3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.

Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vắc xin có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi.

Người lớn cần tiêm nhắc vắc xin có thành phần bạch hầu 10 năm/lần.

Đặc biệt, các đối tượng phụ nữ mang thai, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu, cần rà soát lịch tiêm để bổ sung kịp thời. Với thai phụ, vắc xin được tiêm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ ngoài bảo vệ mẹ còn giúp truyền kháng thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời trước khi đến tuổi tiêm chủng.

'Chỉ tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em thôi là không đúng'

Theo Th.S - BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đối với người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng thì cần tiêm các mũi cơ bản như sau:

Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều): Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt. Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần. Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng. Sau đó các mũi tiêm nhắc lại có thể tiêm cách nhau 10 năm.

Vắc xin phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Hiện nay vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván còn được Hội Y học Dự phòng Việt Nam cũng như WHO và CDC Mỹ khuyến cáo tiêm cho phụ nữ đang mang thai từ 27 đến 36 tuần thai.

Triệu chứng tại chỗ sau tiêm ở người lớn được báo cáo thường xuyên nhất là đau tại chỗ tiêm (62–94%), nhưng không có báo cáo nào về tình trạng đau dữ dội; đỏ và sưng tấy có đường kính từ 5 cm trở lên khoảng 13%. Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng tại chỗ tương tự nhau sau khi chủng ngừa TdaP (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván) và Td (vắc xin bạch hầu - uốn ván). Các triệu chứng chung được báo cáo thường xuyên nhất là đau đầu và mệt mỏi (20–50%). Có thể sốt nhẹ, không có báo cáo sốt trên 39°C. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo.

Việc suy nghĩ chỉ tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em thôi là không đúng. Người lớn nếu không tiêm nhắc vắc xin 10 năm/lần sẽ dễ mắc bệnh vì lượng kháng thể trong người giảm dần đến ngưỡng không đủ để bảo vệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.