Bắc Kinh tập trận bắn đạn thật ở biển Đông

11/12/2012 04:00 GMT+7

Truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội nước này vừa tập trận trên biển Đông sau khi Bắc Kinh có nhiều động thái gây căng thẳng.

Ngày 10.12, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi các bên liên quan về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nỗ lực hơn nữa để tăng cường hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Bắc Kinh lại không hề thể hiện thiện chí như lời kêu gọi trên của ông Hồng.

Bằng chứng là cũng trong ngày 10.12, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin một đội xe tăng thuộc Bộ Chỉ huy quân đồn trú, của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), tại cái gọi là “TP.Tam Sa” vừa diễn tập bắn đạn thật. Tờ báo không nêu rõ thời gian và địa điểm tập trận. Tuy nhiên, “TP.Tam Sa” vốn dĩ được Trung Quốc thành lập để quản lý trái phép 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, Bộ Chỉ huy quân đồn trú trên cũng vừa được thành lập trái phép vào tháng 7 với cơ quan đầu não đặt tại đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lúc bấy giờ, động thái này của Bắc Kinh gây quan ngại đối với các nước có tranh chấp trên biển Đông lẫn những quốc gia khác, điển hình là Mỹ. Ngày 4.8, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc nâng quy chế hành chính của TP.Tam Sa và thiết lập đơn vị quân đồn trú tại đó bao phủ các khu vực tranh chấp ở biển Đông đi ngược với các nỗ lực ngoại giao phối hợp nhằm giải quyết những bất đồng và tạo nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Suốt từ tháng 9 - 11, truyền thông Trung Quốc liên tục phát đi những hình ảnh về việc quân đội nước này tập trận bắn đạn thật dưới nhiều kịch bản giả định khác nhau: hải chiến, tấn công đổ bộ chiếm đảo... Lần nào cũng mập mờ về địa điểm và thời gian, trong khi lại phát đi những hình ảnh đầy tính đe dọa với đạn pháo ầm ầm. Vì thế, chẳng quá lời khi khẳng định Bắc Kinh liên tục có những động thái gây quan ngại cho khu vực.

Mới đây, PLA ngày 5.12 ngang nhiên tổ chức cuộc thi đấu bắn súng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Minh họa cho cuộc thi này, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tải một số mô tả như: binh sĩ ngắm bắn, trườn qua lưới thép gai, vượt qua các hàng rào thép gai đang bốc cháy...

Ngoài ra, Tân Hoa xã vừa đưa tin 4 chiến hạm Trung Quốc ngày 1.12 diễn tập hỗ trợ ứng cứu tàu công vụ “dân sự” đang đối đầu với tàu chiến nước ngoài. Động thái trên diễn ra chẳng bao lâu sau khi chính quyền tỉnh Hải Nam đề xuất cho phép cảnh sát biển kiểm tra, bắt giữ, phá hủy tài sản nước ngoài ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đề xuất này được xem như mở rộng vùng tuần tra ra khắp biển Đông nên trở thành phi pháp, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Vì thế, việc diễn tập của 4 chiến hạm trên cho thấy hải quân Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các tàu công vụ “dân sự”, bao gồm cả tàu cảnh sát biển. Đây là một động thái rất đáng quan ngại và khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp.

Manila ủng hộ Tokyo làm đối trọng với Bắc Kinh

Reuters vừa dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez lên tiếng ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò đối trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự. Theo đó, Manila muốn Tokyo cần đóng một vai trò lớn hơn để cân bằng sức mạnh với Bắc Kinh, vốn gần đây khiến nhiều láng giềng lo ngại liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền. Lâu nay, cả Philippines và Nhật Bản đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Manila và Washington hôm nay (11.12) cùng nhau đối thoại chiến lược song phương về vấn đề quốc phòng và luật. Theo tờ The Inquirer, dẫn đầu phái đoàn Philippines tham gia đối thoại lần này là Thứ trưởng Ngoại giao Erlinda Basilio và Thứ trưởng Quốc phòng Pio Lorenzo Batino. Về phía Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mark Lippert dẫn đầu. Báo The Inquirer dẫn lời giới chức Manila cho hay hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó tranh chấp biển Đông đóng vai trò trọng tâm. Dự kiến, cuộc đối thoại diễn ra đến ngày 12.12.

Bích Huệ

Văn Khoa

>> Trung Quốc cấp tập “phát triển Tam Sa”
>> Hoạt động phi pháp tại “TP.Tam Sa”
>> Trung Quốc tung “ngư dân bảo vệ Tam Sa”
>> Hải giám Tam Sa xâm phạm Hoàng Sa
>> Mỹ lo ngại việc Trung Quốc lập “TP.Tam Sa”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.