Từ khi còn là bác sĩ trẻ cho đến nay ngồi ghế Trưởng khoa Mắt một bệnh viện tuyến đầu ở ĐBSCL, anh vẫn dành rất nhiều thời gian đi khắp nơi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
BS.CK2 Trần Trường Giang và các bệnh nhân nghèo vừa được anh mổ đục thủy tinh thể - Ảnh Đình Tuyển |
Người thầy thuốc thiện nguyện bền bỉ đó là BS.CK2 Trần Trường Giang, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ. Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới thuyết phục được bác sĩ (BS) Giang nói về những gì đã làm cho người nghèo. Bởi với anh, việc thiện là tấm lòng không muốn kể công.
Đến những nơi khó nhất
Hành trình đi mổ mắt từ thiện của BS Giang bắt đầu từ năm 1999, khi anh còn là một BS trẻ công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cần Thơ (cũ). Lúc đó, vừa hoàn thành chuyên khoa 1, anh tích cực tham gia vào đoàn từ thiện của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Cần Thơ rồi gắn bó cho đến nay.
Những ngày đầu, BS Giang cùng đoàn đến những huyện gần như Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Ô Môn (Cần Thơ); Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm, Mang Thít (Vĩnh Long), rồi đi xa hơn như Vĩnh Châu, Mỹ Tú, Kế Sách (Sóc Trăng); Cầu Kè, Trà Cú (Trà Vinh)... Trang thiết bị hạn chế nên ngày ấy, mỗi lần đi chỉ mổ mắt cho khoảng từ 20 - 30 bệnh nhân nghèo.
Tiếng lành đồn xa, việc thiện nguyện của BS Giang và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Cần Thơ ngày càng được biết đến nhiều hơn. Nguồn tài trợ cho mỗi chương trình từ đó cũng tăng dần. Đặc biệt là từ tổ chức cứu trợ nhân đạo SAP-VN (Social Assistance Program for Vietnam, Mỹ), hay có những nhà hảo tâm tài trợ xuyên suốt như ông Võ Văn Tám, Việt kiều Úc...
Nguồn lực tốt hơn, BS Giang và đoàn công tác đã đến những vùng xa hơn như An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau...
“Đến nay, chúng tôi đã đi giáp các tỉnh miền Tây và không thể nhớ nổi đã mổ mắt cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng họ đều ở những nơi khó khăn nhất, không có tiền và cơ hội điều trị”, BS Giang nói.
Hiện tại số lượng bệnh nhân được chữa bệnh mắt tăng lên 60 - 100 bệnh nhân/đợt.
“Mỗi tháng chúng tôi tổ chức 4 đợt khám, chữa, mổ mắt miễn phí cho người nghèo. Mỗi lần đi xa đều phải chuẩn bị từ rất sớm. Có khi phải xuất phát từ lúc 2 giờ sáng để khi đến nơi bắt tay ngay vào việc, rồi đến khuya lại trở về Cần Thơ lo cho công việc hôm sau”, BS Giang kể.
Cái nắm tay, quả trứng gà tình nghĩa
Kể lại những kỷ niệm vui buồn khi đi làm từ thiện, BS Giang chia sẻ: “Tôi nhớ mãi lần đi đến vùng đồng bào Khmer ở H.Trà Cú (Trà Vinh) cách đây khá lâu. Cuộc sống người dân ở đây quanh năm cơ cực, rất nhiều người bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt nhưng chưa bao giờ nghĩ có cơ hội sáng mắt trở lại, cho đến ngày chúng tôi xuống mổ mắt cho họ”.
Anh nói tiếp: “Ngày trở lại tái khám, họ mừng dữ lắm. Ánh mắt rưng rưng, nắm chặt tay các BS để cảm ơn khiến anh em ai cũng xúc động”. Hay một lần khác đi mổ từ thiện ở H.Hồng Dân (Bạc Liêu), một bệnh nhân còn gói vội chục trứng gà biếu BS. Rồi có bệnh nhân ở H.Năm Căn (Cà Mau) còn xách theo nải chuối để mời các BS ăn.
“Giá trị vật chất không nhiều nhưng chứa chan tình cảm từ bệnh nhân nghèo”, BS Giang chia sẻ.
Hiện bình quân mỗi năm BS Giang cùng anh em Khoa Mắt Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ mổ mắt miễn phí cho trên 1.000 ca. Riêng năm 2015, đã mổ được 1.985 ca, hầu hết là bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, mây thịt, viêm kết mạc. Mỗi ca mổ đục thuỷ tinh thể hiện chi phí cũng lên đến hàng chục triệu đồng, một số tiền lớn với người nghèo.
Theo BS Giang, điều vui nhất là sau những đợt đi mổ từ thiện, tập thể cán bộ, BS Khoa Mắt Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ đã đi đến thống nhất luân phiên nhau từng tuần cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đi hỗ trợ mổ từ thiện cho người nghèo khắp vùng. Điều khích lệ tinh thần anh em BS không phải thành tích được ghi nhận mà có khi đơn giản chỉ là sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện về máy móc, thiết bị, xe cộ, hay sự hỗ trợ nhiệt tình của mạnh thường quân.
Chia sẻ về nghề y, BS Giang nói: “Nghề nào cũng phải có tấm lòng, nghề y lại càng cần nhiều hơn. Tôi vốn xuất thân nông dân nghèo nên dễ đồng cảm, vì tôi hiểu họ cần chia sẻ gì và tôi có thể giúp gì được cho họ”.
Bình luận (0)