Bác sĩ 24/7: Bệnh lao ruột là gì, có nguy hiểm không?

26/03/2024 04:09 GMT+7

'Cho tôi hỏi bệnh lao ruột có biểu hiện thế nào? Bệnh có nguy hiểm không? Cách phòng tránh bệnh này thế nào ạ?'. (Tr. Mương, ở TP.HCM).

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Bệnh lao đường tiêu hóa (bao gồm cả bao tử và đường ruột) chiếm 1% đến 3% tổng số ca mắc bệnh lao trên toàn thế giới. Nó có thể xảy ra trong bối cảnh bệnh phổi đang hoạt động hoặc không liên quan đến lao ở phổi. Vùng hồi manh tràng (ở ruột già) là vị trí bị ảnh hưởng phổ biến nhất. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa (từ thực quản đến hậu môn). 

Bác sĩ 24/7: Bệnh lao ruột là gì, có nguy hiểm không?- Ảnh 1.

Các triệu chứng của bệnh lao đường tiêu hóa rất khó chẩn đoán

Minh họa: Freepik

Chẩn đoán lao đường ruột thường khó khăn và thường bị chậm trễ do biểu hiện không đặc hiệu. 

Những cách mà vi trùng lao đi vào đường tiêu hóa để gây bệnh bao gồm: Bệnh nhân mắc bệnh lao phổi và nuốt đàm chứa vi trùng lao vào dạ dày. Vi trùng lan theo đường máu từ các ổ lao ở những cơ quan, bộ phận khác. Vi trùng xâm nhập từ các ổ lao nằm cạnh bên dường tiêu hóa. Vi trùng lây qua đường ăn uống như uống sữa không tiệt trùng bị nhiễm lao bò.

Bệnh nhân mắc bệnh lao đường tiêu hóa thường có những biểu hiện sau: Đau bụng, chán ăn, sốt kéo dài và sốt nhẹ có thể kèm ớn lạnh về chiều tối, thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy phổ biến hơn táo bón, buồn nôn, nôn và tiêu phân đen. 

Nhìn chung, các triệu chứng vừa nêu có thể xảy ra do nhiều bệnh khác nhau chứ không phải chỉ bệnh lao đường tiêu hóa nên bệnh này thường khó được chẩn đoán sớm.

Bệnh lao đường tiêu hóa cũng nguy hiểm như các bệnh lao khác là có thể khiến người bệnh suy kiệt và có thể lan qua các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Tại đường tiêu hóa, bệnh lao có thể gây thủng, tắc nghẽn dạ dày hay ruột.

Điều trị lao đường tiêu hóa giống điều trị lao thông thường (gồm 2 giai đoạn tấn công và duy trì, tùy mức độ bệnh và diễn tiến mà tổng thời gian điều trị có thể thay đổi). 

Thông thường, lao đường tiêu hóa đáp ứng tốt với điều trị lao và phẫu thuật chỉ được yêu cầu trong những trường hợp có biến chứng như hẹp hoặc tắc ruột, không đáp ứng với điều trị nội khoa. 

Cách phòng tránh bệnh lao đường tiêu hóa như sau:

  • Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ nhỏ.
  • Có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng.
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
  • Ngừng hút thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá.
  • Giữ lối sống tích cực, tránh căng thẳng và áp lực.
  • Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh và áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi tiếp xúc.
  • Không uống sữa bò tươi chưa được xử lý.
  • Duy trì vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt.
  • Theo dõi tình trạng miễn dịch nếu sử dụng corticoid.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com.

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.