Bác sĩ CKI Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Những ngày nắng nóng, chúng ta cần chú ý đột quỵ do thời tiết gây ra. Cần phân biệt 2 nhóm bệnh khác nhau đó là sốc nhiệt (heat stroke) và đột quỵ (stroke).
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian kéo dài và thường gặp nhất trong những tháng mùa hè.
Các triệu chứng của sốc nhiệt bao gồm: Tăng nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 40 độ C, thay đổi hành vi và trạng thái tinh thần, thay đổi tình trạng tiết mồ hôi, buồn nôn và nôn, đỏ da, thở nhanh, nhịp tim nhanh, đau đầu,... Sốc nhiệt là tình trạng khẩn cấp, cần phải được chẩn đoán và chữa trị nhanh chóng.
Còn đột quỵ là do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não,... Các nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy thực sự có mối liên quan giữa nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh làm tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Nguyên nhân có thể liên quan đến các xáo trộn nội môi của cơ thể do nhiệt độ quá nóng, quá lạnh, hoặc do mất nước, thay đổi thói quen sinh hoạt, bệnh nền...
Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa nắng nóng, tránh làm thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, bù đủ nước và điện giải khi ra mồ hôi nhiều. Duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh. Theo dõi định kỳ và kiểm soát bệnh nền ổn định. Hạn chế tiếp xúc nhiệt độ quá nóng kéo dài,…
Bình luận (0)