Bác sĩ bị đột quỵ, ngưng tim 90 phút được cứu sống: Tôi như từ cõi chết trở về

Đình Tuyển
Đình Tuyển
14/11/2020 17:14 GMT+7

Hơn một tháng sau cơn đột quỵ, biến chứng ngưng tim 90 phút, bệnh nhân-bác sĩ 62 tuổi ở Cần Thơ đã hồi phục kỳ diệu, ra viện như “từ cõi chết trở về”.

“Từ cõi chết trở về”

Ngồi cùng vợ trên giường bệnh Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ N.T.T (62 tuổi, ở Cần Thơ) vẫn còn chút thất thần khi nhớ đến sau cơn đột quỵ “trời giáng”, biến chứng ngưng tim 90 phút tưởng như cầm chắc cái chết xảy đến với ông cách đây hơn 1 tháng.

Phép màu cho bác sĩ tốt bụng ở Cần Thơ bị đột quỵ, ngưng tim 90 phút

Vợ ông là bà Đinh Thị Kim Phượng, từng là điều dưỡng trưởng của một khoa trong bệnh viện, cũng không khỏi xúc động khi chứng kiến sự “hồi sinh” khó tin của chồng.
“Hiện tại sức khỏe của ảnh đã ổn nên bác sĩ cho về nhà dưỡng tiếp. Cả gia đình tôi cũng vui mừng như đón ảnh từ cõi chết trở về”, bà Phượng nói.
Trước đó, cơn nhồi máu cơ tim ập đến với bác sĩ T. khi ông đang ngồi cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ). Bác sĩ T. nhanh chóng rơi vào hôn mê, sức khỏe diễn tiến xấu rất nhanh, ngưng tim, ngưng thở.
May mắn là, các bác sĩ đồng nghiệp đã cấp cứu rất kịp thời, xoa bóp tim ngoài lồng ngực khẩn trương. Dù vậy, phải mất 45 phút sau, bác sĩ T. mới có nhịp tim trở lại và được chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nguy cấp hơn khi trên đường vận chuyển, bệnh nhân tiếp tục rơi vào tình trạng ngưng tim nhiều lần...
“Lúc ngừng xe trước khoa cấp cứu để đẩy bệnh xuống, tôi thấy y bác sĩ đang xoa bóp tim ngoài lồng ngực đã đặt nội khí quản nhưng cơ thể ảnh tím tái hết rồi, cứ nghĩ là ảnh đã mất rồi. Lúc đó thực sự hoảng hốt, không còn chút hồn vía gì”, bà Phượng kể.
Khi nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng chậm, đang bóp bóng qua nội khí quản và ép tim ngoài lồng ngực, huyết áp và mạch không đo được, toàn thân tím tái. Kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị hẹp nhánh liên thất trước đoạn 2 hơn 80%, san thương không ổn định và can thiệp thành công bằng Stent phủ thuốc trong vòng 20 phút. Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo dõi và điều trị tiếp.

Mong sớm khỏe để đi khám bệnh từ thiện

Theo BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trường hợp bác sĩ T. nhập viện với tình trạng rất nặng, được cứu sống và bình phục như hiện tại thực sự rất hiếm gặp.
“Ca cấp cứu này cũng để lại rất nhiều kinh nghiệm trong can thiệp, chẩn đoán, cấp cứu ban đầu và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân nhập viện với tình trạng rất nguy kịch, ngưng tim kéo dài, kèm theo đó là tình trạng sốc tim sau đó xuất hiện thêm sốc nhiễm trùng phải điều trị và can thiệp cấp cứu. Gần như tất cả các ê kíp trong bệnh viện đã có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời”, BS Phước nói.

Hình ảnh mạch vành tắc dẫn đến đột quỵ của bệnh nhân L.T.T trước và sau khi can thiệp tái thông mạch máu

Ảnh Đình Tuyển

Cũng theo bác sĩ này, ngoài cấp cứu, xử lý ban đầu thành công, quá trình điều trị cho bệnh nhân cũng rất vất vả khi bệnh nhân xuất hiện viêm phổi, thở máy, kèm theo tình trạng là suy thận phải can thiệp lọc máu kéo dài.
“Một điều may mắn nữa là bệnh nhân trên nền tảng sức khỏe còn tốt nên vượt qua được bệnh nặng. Đây có thể coi là trường hợp đầu tiên chúng tôi may mắn cứu sống sau khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngưng tim thời gian lâu như vậy”, BS Phước nói.
Ngồi chăm sóc chồng bên giường bệnh Khoa Đột quỵ, bà Phượng bảo, mong muốn lớn nhất của gia đình bà là bác sĩ T. sớm khỏe lại để tiếp tục công việc đi khám chữa bệnh từ thiện mà hai vợ chồng đã đồng hành hơn 30 năm qua.
“Ảnh là bác sĩ chuyên khoa lao, làm việc được 36 năm. Gần như từ đó đến nay, trừ khi ốm đau, tuần nào ảnh cũng đi khám, chữa bệnh từ thiện vào dịp thứ bảy, chủ nhật. Nhiều người hỏi sao không làm phòng mạch tư, ảnh nói thôi, hưởng lương Nhà nước cũng đủ rồi nên đi phục vụ đồng bào. Khi thì đi với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, khi thì đi với các bác sĩ trong hội thiện nguyện, đoàn nào mời ảnh cũng đi”, bà Phượng nói.
Bà Phương tin rằng, có lẽ nhờ sống đơn giản, thường đi khám, chữa bệnh từ thiện giúp người nghèo khó mà chồng bà được hưởng phước may mắn, qua khỏi hoạn nạn, thoát khỏi “tử thần”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.