Bác sĩ chỉ mẹo đi bộ hàng đầu, người cao tuổi nên tuân theo

Thiên Lan
Thiên Lan
31/10/2024 00:07 GMT+7

Đi bộ là bài tập không chỉ tốt cho tim mà còn cho xương và sức khỏe tổng thể. Đối với người cao tuổi, đi bộ đặc biệt có lợi vì giúp duy trì thể lực mà không gây căng thẳng quá mức cho các khớp.

Đặc biệt, có một số mẹo đi bộ mà người cao tuổi nên tuân theo để ngăn ngừa chấn thương và đảm bảo an toàn.

Sau đây, tiến sĩ Aijaaz Ashai, bác sĩ vật lý trị liệu từng đoạt giải thưởng quốc tế của Ấn Độ, chia sẻ 9 mẹo đi bộ hàng đầu mà người cao tuổi nên áp dụng, theo chuyên trang sức khỏe Health Shots.

Bác sĩ chỉ mẹo đi bộ hàng đầu, người cao tuổi nên tuân theo- Ảnh 1.

Đối với người cao tuổi, đi bộ đặc biệt có lợi vì giúp duy trì thể lực mà không gây căng thẳng quá mức cho các khớp

Ảnh: Pexels

1. Đừng ép bản thân! Cần đi những quãng đường ngắn, đặc biệt là người mới bắt đầu, và tăng dần quãng đường và thời gian. Đi chậm sẽ giúp tránh làm căng cơ và khớp của cơ thể. Hãy bắt đầu bằng cách tập cho quen dần.

2. Mang giày thoải mái. Giày phải có độ nâng đỡ vòm chân và đệm tốt để thoải mái khi đi bộ và tránh chấn thương. Giày phải vừa vặn và ổn định. Nếu không mang giày thể thao, có thể mang giày lười vì không có dây buộc và thoải mái.

3. Sử dụng thiết bị hỗ trợ. Người lớn tuổi có xu hướng mất thăng bằng do lão hóa. Nếu có vấn đề về thăng bằng, có thể cần phải mang theo gậy để chống. Điều này sẽ hỗ trợ, giúp không bị ngã và bị thương khi đi bộ.

4. Duy trì tư thế và kỹ thuật. Đi bộ đòi hỏi một kỹ thuật đơn giản. Đặt gót chân xuống đất trước, sau đó lăn các ngón chân xuống sau. Đồng thời, đầu ngẩng cao, vai hơi ngả ra sau và cánh tay vung nhẹ để đảm bảo tư thế giúp lưng và cổ ít bị căng thẳng hơn.

5. Giữ đủ nước. Người lớn tuổi nên mang theo một chai nước khi đi bộ. Chuyên gia cho biết: Uống đủ nước có thể duy trì mức năng lượng. Ngoài ra, mất nước có thể gây chóng mặt ở người lớn tuổi khi đi bộ.

Bác sĩ chỉ mẹo đi bộ hàng đầu, người cao tuổi nên tuân theo- Ảnh 2.

Đi bộ cùng bạn bè hoặc theo nhóm có thể thú vị hơn. Nó cũng có thể mang lại sự an toàn hơn, trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe

Ảnh: Pexels

6. Duy trì tốc độ. Đi bộ quá nhanh sẽ dẫn đến quá sức, chuyên gia cho biết. Nếu cảm thấy khó thở hoặc mệt, hãy dừng lại một lúc. Ngoài ra, nên sải chân ở độ dài tự nhiên. Bước dài hơn sẽ gây áp lực lên chân.

7. Đi bộ trên đường bằng phẳng. Nên đi trên đường bằng phẳng để tránh nguy cơ té ngã và bị thương. Lý tưởng nhất là trong công viên hoặc các lối đi dành cho đi bộ là an toàn nhất, bác sĩ Ashai cho biết.

8. Ăn mặc thoải mái. Nên chọn quần áo thoải mái tùy theo thời tiết. Khi đi bộ ngoài trời, nên mặc nhiều lớp quần áo vì điều này sẽ giúp cơ thể phản ứng với những thay đổi về nhiệt độ. Ngoài ra, để an toàn, hãy mặc quần áo sáng màu vào ban ngày. Vào ban đêm, người lớn tuổi nên mặc quần áo có chất liệu phản quang và mang theo đèn pin.

9. Đi bộ cùng bạn bè. Đi bộ cùng bạn bè hoặc theo nhóm có thể thú vị hơn. Nó cũng có thể mang lại sự an toàn hơn, trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, chuyên gia cho biết.

Đi bộ có những lợi ích cho người lớn tuổi. Tuân theo các mẹo trên có thể giúp ngăn ngừa té ngã hoặc vấn đề khác. Căng duỗi nhẹ nhàng trước và sau khi đi bộ cũng rất cần thiết. Nó có thể kéo giãn cơ để chuẩn bị cho cơ thể tập thể dục và ngăn ngừa chấn thương sau khi đi bộ.

Đi bộ đối với người cao tuổi thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích hơn lứa tuổi nào khác, bao gồm:

  • Cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Tăng cường xương và cơ.
  • Cải thiện tâm trạng, ngủ ngon hơn.
  • Giữ thăng bằng tốt hơn để giảm té ngã.
  • Tăng cường khả năng miễn dịch.
  • Giữ cân, theo Health Shots.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.