>> Thụy Sĩ cho phép “chết êm ái”
Cuộc đi chết náo nhiệt
Có lẽ không mấy người muốn biết ngày chết chính xác của mình. Riêng Susan Griffiths thì đã có lịch hẹn chính xác với thần chết. Điểm hẹn cách ngôi nhà của bà đến hơn 6.500 km tính theo đường bay. Gần tới ngày hẹn, bà xách va li rời Canada để đến Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của Dignitas, địa điểm duy nhất trên hành tinh này chấp nhận đưa đò cho những ai muốn đi qua thế giới bên kia, bao gồm cả người nước ngoài. Một đứa con sống ở Thụy Sĩ, một ở Đức, một ở Canada cùng một người em sống ở Anh và thêm hai đứa cháu ngoại của Griffiths cùng đến Dignitas để chứng kiến giây phút cuối cùng của bà. Người phụ nữ 72 tuổi này mắc hội chứng teo đa hệ thống (MSA), vốn làm con người ta mất dần khả năng vận động, thăng bằng và gây nhiều đau đớn. Sau khi phát hiện vận động bàn tay bắt đầu suy giảm, Griffiths quyết định đã đến lúc để chết, lo sợ nếu không nhanh chân, bà sẽ không thể đi Thụy Sĩ, không thể tự bưng ly thuốc độc hoặc mất khả năng nuốt, đồng nghĩa với việc sẽ không được chấp nhận ở Dignitas nữa. “Bệnh nhân MSA - chứng bệnh không có thuốc chữa - thường sống được tối đa 10 năm. Tôi sẽ phải nằm liệt giường, dùng hàng đống thuốc an thần, máy móc dây nhợ đầy người, xung quanh là những điều dưỡng xa lạ làm mọi hoạt động trên cơ thể tôi. Tôi quyết định sẽ không sống với bản án chung thân này” - Winnipeg Free Press dẫn lời bà Griffiths phát biểu.
|
Hành trình đi tìm cái chết của Griffiths lôi kéo các phương tiện truyền thông khắp thế giới suốt nhiều tháng trời, lên tới đỉnh điểm khi bà rời Canada hôm 6.4 vừa qua, tuyên bố rằng nếu luật Canada cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân tự tử, bà sẽ sống thêm 2 năm nữa. Ngay trước “giờ hẹn với thần chết” vào hôm 25.4, Griffiths vẫn gửi thư cho báo chí, trong đó có đoạn ghi: “Thật tuyệt vời vì một số thành viên trong gia đình và bạn bè đã ở bên tôi trong giờ phút cuối cùng, nhưng tôi vẫn rất buồn vì thiếu nhiều người khác”. Điều mà người đàn bà này nhắm tới trong “chiến dịch đi chết ồn ã” của mình là kêu gọi thay đổi luật ở Canada để “cho phép những người như tôi được quyền chết trên quê hương”.
Vợ đấu tranh cho chồng được chết
Câu chuyện của Griffiths thực ra là một mô típ rất phổ biến ở những người mắc bệnh nan y đòi quyền được bác sĩ trợ giúp chết, vốn đang trở nên nóng bỏng ở nhiều nước. Ngay thời điểm hiện tại, ở nước Anh cũng đang xôn xao với cuộc đấu tranh của Paul Lamb, một người đàn ông 58 tuổi bị liệt từ cổ xuống chân sau tai nạn xe hơi thảm khốc năm 1990. Lamb bảo ông phải chịu đựng đau đớn từng giây từng phút và 23 năm đã là quá đủ. Ông đang đấu tranh trước tòa, mong tìm được một phán quyết rằng vị bác sĩ sẽ tiêm liều thuốc chết người cho ông không gặp rắc rối gì. Luật pháp Anh quy định khung hình phạt lên đến 14 năm cho tội xúi giục hoặc hỗ trợ tự tử.
Cuộc đấu tranh của ông Lamb rất giống như trường hợp của Tony Nicklinson, người đã thua kiện trong vụ đấu tranh đòi quyền được chết có trợ giúp hồi năm 2012. Thông qua một phần mềm đặc biệt ghi nhận suy nghĩ thông qua cử động mắt, Nicklinson từng chia sẻ: “Tôi không thể nói và tôi bị liệt từ cổ xuống chân, có nghĩa tôi không thể làm bất kỳ điều gì cho bản thân mình. Chẳng hạn tôi phải chịu đựng 90% cơn ngứa vì đến lúc có thể làm cho người khác hiểu được mà đến gãi thì cơn ngứa đã qua rồi...”. Vài ngày sau khi thua kiện, ông này chết vì tuyệt thực. Trong suốt cuộc đấu tranh đòi chết, Nicklinson có sự hỗ trợ tuyệt đối của vợ. Đến khi ông đã qua đời, người vợ vẫn đấu tranh không mệt mỏi đến tận bây giờ, mong biến mơ ước hợp pháp hóa quyền được chết có hỗ trợ của chồng thành sự thật.
Tờ Mirror hồi tháng 2 qua cũng đã đăng bài viết với tựa đề Tại sao chúng tôi để mẹ chết, trong đó cô Donella Trickey kể về cuộc hành trình mà 4 chị em cô đã đưa người mẹ 71 tuổi đến Dignitas. “Chỉ 2 phút sau khi uống thứ chất lỏng đó, mẹ nhắm mắt lại ngủ. Đó chính là điều mẹ muốn: nhanh, an bình và danh dự. Đó không phải là cảm giác của chúng tôi. Đó là vì mẹ. Xét ở một khía cạnh nào đó, tôi mừng cho mẹ... Tôi mừng vì từ nay mẹ không còn phải đau đớn nữa. Chết là điều tất cả mọi người rồi sẽ phải đối mặt. Với một số người, sống được bao lâu là điều quan trọng nhưng với một số người khác thì không: họ chú trọng chất lượng cuộc sống, còn nếu không có chất lượng thì thà đừng sống”.
Bác sĩ lên tiếng
Chết êm ái, chết được trợ giúp, chết trong danh dự... - đó là những cụm từ mỹ miều mà người ta vẫn dùng để ám chỉ việc tự tử với sự hỗ trợ của người khác, thường là bác sĩ để người ta có thể tự tử không đau đớn, ít nhất là về mặt thể xác. Đó có thể là kê toa quá liều một loại thuốc an thần gây chết hoặc tiêm thuốc độc, thường là cho những bệnh nhân nan y ở giai đoạn cuối chịu nhiều đau đớn. Luật pháp một số nước cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân chết nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định nào đó, chẳng hạn Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ... Riêng Pháp và Tây Ban Nha đang xem xét cho phép điều này. Còn ở Mỹ, hiện chỉ có 2 bang là Washington và Oregon cho phép với điều luật mang tên Chết trong danh dự. Ít nhất 5 bang khác đang trong quá trình xem xét hợp pháp hóa điều này. Cuộc tranh luận đang rất nóng bỏng. Claudia Burzichelli - một bệnh nhân ung thư thận và phổi đã điều trần trước một ủy ban của nghị viện bang New Jersey rằng cô không muốn chết tàn khốc và để lại nỗi ám ảnh cho người thân như cha cô, người đã tự tử bằng cách bắn vào đầu. Ông bị Parkinson, đã tự tử cách đây 9 năm sau một cơn nhồi máu cơ tim. “Tôi mong mỏi được lựa chọn một cách chết nhẹ nhàng hơn...”, Burzichelli nói.
Eric Kress cũng vừa điều trần trước thượng viện bang Montana. Ông là bác sĩ từng giúp 3 bệnh nhân chết êm ái dù luật Montana không cho phép. Là một bác sĩ gia đình với bề dày hành nghề 26 năm, Kress kể ông từng nhiều đêm mất ngủ và không bao giờ quên lời nguyền rủa “hèn nhát” của một bệnh nhân từng van xin ông kê toa một liều thuốc giúp chết nhẹ nhàng. Ông này cũng nhiều lần nài nỉ vợ giúp mình chết. Cuối cùng, người đàn ông chỉ còn da bọc xương, không thể đi, không thể nói này cũng chết vì để dành thuốc giảm đau mà uống chung một lần. Sau vụ này, Kress đã thay đổi quan niệm, giúp cho 3 bệnh nhân giai đoạn cuối chết. Cả 3 trường hợp đều có sự đồng ý của gia đình. Vị bác sĩ bảo ông chưa bao giờ mất ngủ vì đã hỗ trợ họ chết, thấy mình đã làm đúng lương tâm để giúp những người muốn sống nhưng không thể sống này được chết nhẹ nhàng.
Cùng lúc, hàng loạt tổ chức bảo vệ sự sống lên tiếng, cho rằng mọi cuộc sống đều đáng được trân trọng, rằng không phải chẩn đoán của bác sĩ luôn đúng, rằng trao quyền được phép giết người cho bác sĩ là quá nguy hiểm bởi bệnh nhân có thể bị lạm dụng, bị trục lợi từ cái chết. Ngoài ra, hợp pháp hóa cái chết êm ái cũng có thể gây áp lực phải chết lên bản thân những người khuyết tật, người già... để khỏi trở thành gánh nặng cho người khác. Đại diện của tổ chức mang tên Care Not Killing (Chăm sóc chứ không giết) ở Anh phân tích rằng những trường hợp rất kiên định được trợ giúp chết như kể trên thật ra rất ít so với một số lượng đông đảo hơn nhiều cần được luật pháp bảo vệ để được sống.
Ở nơi giáp ranh thế giới bên kia Ngay trước giờ chết tại Dignitas (Thụy Sĩ), bà Susan Griffiths vẫn xuất hiện trong các tấm ảnh đang tươi cười cùng với con cháu. CBS News đưa tin, trong khu vườn đầy nắng ở bên ngoài Dignitas, cả gia đình đã cùng hát vang bài hát thiếu nhi vui tươi Row, Row, Row Your Boat. Sau đó vào trong Dignitas, đầu tiên bà Griffiths uống một liều thuốc chống nôn. 30 phút sau là ly thuốc độc. Chỉ trong vài phút, bà ngủ ngay và sau 20 phút thì chết. “Mọi chuyện thật tuyệt”, con gái Natasha của Griffiths đã tuyên bố như thế, cho biết mẹ cô đã hài lòng với tất cả mọi diễn biến. Còn người bạn thân Cindy Rublee của người chết thì bảo đây đúng là điều mà Griffiths mong muốn, mọi chuyện đã diễn ra không sai một tí nào so với kế hoạch của Griffiths. Được biết nhân viên Dignitas - tổ chức luôn nhận là phi lợi nhuận nhưng từng hứng không ít tai tiếng, luôn khuyến khích “khách hàng” của họ đi cùng người thân. Tờ Guardians đưa tin từng có trường hợp một người đi chết dẫn theo đến 12 người bạn đưa tiễn.
|
Kiều Oanh
>> Nhiều người Bỉ chọn “cái chết êm ái”
>> Ấn Độ bật đèn xanh cho cái chết êm ái
>> Hàn Quốc cho phép “cái chết êm ái”
>> Tranh cãi quanh “cái chết êm ái” ở Singapore
>> Mỹ: Tòa án tối cao ủng hộ “cái chết êm ái”
>> Đi tìm cái chết êm ái
Bình luận (0)