Bác sĩ gây mê giành sự sống cho bà mẹ mang thai nhiễm Covid-19: Căng thẳng từng giây

26/09/2021 09:47 GMT+7

BS gây mê thường có 10 phút từ lúc báo động đến khi mổ bắt được em bé ra, nhưng với thai phụ nhiễm Covid-19 , BS chỉ có 3 phút để làm điều này trong bộ đồ bảo hộ kín mít ngột ngạt, đeo 3 lớp khẩu trang…

Trong đại dịch Covid-19, có một nhóm bệnh nhân (BN) đặc biệt, đó là những phụ nữ, bà mẹ mang thai chẳng mai bị nhiễm Covid-19. Bình thường, họ mang thai vất vả bao nhiêu, thì khi nhiễm Covid-19, họ càng vất vả gấp bội phần, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Đó có thể là do không được tiêm vắc xin, do thiếu cơ sở y tế tiếp nhận theo dõi và chăm sóc trong mùa dịch này, do chuyển nặng nhanh chóng, do hạn chế về việc dùng thuốc điều trị,…
Ai đã từng xem phim Ranh Giới của VTV có thể hiểu được sự khó khăn, nguy hiểm và những khốc liệt mà Covid-19 gây ra cho các bệnh nhân, cho đội ngũ y bác sĩ. Tại BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) ngoài các BS Sản khoa và Nhi khoa trực tiếp theo dõi, điều trị, chăm sóc các thai phụ hoặc trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19, còn có một lực lượng khác tuy mỏng hơn về nhân sự, nhưng luôn có mặt, tiếp cận các ca bệnh nặng nhất, nguy kịch nhất để giúp họ giành giật lại sự sống từ tay "thần chết".
PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với BS Lữ Thị Khánh Phương, chuyên khoa 1 Gây mê hồi sức về những câu chuyện thực tế, những giây phút chạy đua hồi hộp, căng thẳng giành giật sự sống cho cả con và mẹ nhiễm Covid-19 tại khu K1, BV Hùng Vương, TP.HCM. Bác sĩ Khánh Phương cũng là một nhân vật trong phim tài liệu Ranh Giới cách đây không lâu. 

Covid-19 sáng 26.9: 746.678 ca nhiễm, 516.449 ca khỏi | TP.HCM gỡ chốt nội đô trước 30.9

Không nhớ ca cứu được, chỉ nhớ những ca thất bại

- PV: Xin chào chị, công việc của BS gây mê hồi sức tại BV phụ sản thay đổi như thế nào trong mùa dịch Covid-19?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Bình thường, BS gây mê hồi sức có nhiệm vụ khám trước mổ, thực hiện công việc gây mê các ca phẫu thuật và theo dõi, điều trị sau mổ cho đến khi BN ổn định. Ở BV chuyên khoa phụ sản, bác sĩ gây mê hồi sức còn kiêm luôn vai trò hỗ trợ các đồng nghiệp sản khoa trong các vấn đề nội khoa.
Khi phụ nữ mang thai ở bất kì tuần tuổi thai nào mà bị nhiễm Covid-19 thì vấn đề chính của họ là nội khoa, là giảm ô xy máu, khó thở, ho, suy hô hấp… Do đó mà khối lượng công việc của người gây mê hồi sức sẽ tăng lên gấp nhiều lần, vì gần như BN nào vô viện cũng cần sự hỗ trợ của gây mê hồi sức hết.

BS Lữ Thị Khánh Phương luôn có sự chuẩn bị trước cho các tình huống

Vũ Phượng

Số lượng nhân sự gây mê hồi sức rất hạn hẹp trong một BV, dịch Covid-19 khối lượng công việc tăng nhiều và nhanh, lại phải làm việc trong bộ đồ phòng hộ ngột ngạt, bức bí, nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân. Các BS phải làm sao để khi ra khỏi khu điều trị BN Covid-19, vẫn có thể tiếp tục làm việc ở khu thường, vẫn phải tiếp xúc với các đồng nghiệp và những BN ở các khoa khác và vẫn có thể trở về nhà tiếp xúc với gia đình mỗi ngày.
Lúc nào tôi cũng đeo 3 lớp khẩu trang, kết hợp tấm chắn giọt bắn và bộ đồ phòng hộ. Tấm chắn giọt bắn thì luôn đeo trên mặt, chỉ tháo ra lúc đi vệ sinh và ăn uống thôi. Khi giải lao, chúng tôi ráng cố gắng tránh ăn uống cùng nhau trong cùng lúc.
Khi tôi ăn thì đồng nghiệp đeo khẩu trang, khi tôi đeo khẩu trang thì đồng nghiệp ăn và tôi thường ăn thật nhanh rồi đeo khẩu trang vào cho các đồng nghiệp khác ăn. Khi ngủ nghỉ, chúng tôi cũng phải đeo khẩu trang.
Trong ngành gây mê, mọi người thường ngại làm gây mê sản khoa, vì thường phải tiến hành cuộc phẫu thuật rất nhanh chóng để cứu thai phụ hoặc thai nhi đang gặp nguy hiểm do cuộc sanh khó khăn. Quy định từ lúc báo động mổ cấp cứu đến khi bắt được em bé ra là chỉ tối đa 10 phút, bao gồm cả thời gian vận chuyển bệnh từ phòng sanh đến phòng mổ. Đối với sản phụ nhiễm Covid-19 thì thời gian này càng ngắn lại, vì thai phụ đang vào suy hô hấp, nguy kịch tính mạng, có thể ngừng thở, dẫn đến ngừng tim.
Thời gian này thậm chí chỉ được có 3 phút. Điều này đòi hỏi tất cả ê kíp gây mê phải chạy đua với thời gian mới mong giành lấy mạng sống cho mẹ và con các thai phụ nhiễm Covid-19.

Tôi gặp người muốn lấy con nhiều hơn người muốn giữ con. Trong đại dịch, đứng trước sự sống và cái chết, thì các nỗi sợ hãi bộc lộ ra, người bệnh buộc phải nghĩ cho mình nhiều hơn. Buồn lắm! Điều đó làm chúng tôi thấy nhói lòng. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn giải thích cho BN về Covid-19, về mối liên hệ mẹ con, về sự an toàn cho cả hai. Ngược lại, cũng có rất nhiều thai phụ, trước khi được đặt nội khí quản, trong hơi thở hổn hển, đứt quãng, vẫn muốn nhìn thấy chồng con của mình ở nhà, vẫn muốn nghe giọng nói của những người yêu thương

BS Lữ Thị Khánh Phương

Tôi là một người chậm chạp, nên tôi luôn phải có sự chuẩn bị trước, chứ không đợi BN đổ gục xuống rồi mới hành động. Vào đầu ca trực, tôi thường chủ động đi một vòng sang phía phòng sanh, quan sát từng ca, hỏi các nữ hộ sinh về tình trạng của các BN, để phân loại mức độ nguy cơ của các ca bệnh. Sau đó, tôi gom các ca cùng loại về cùng một vị trí và dặn dò các nữ hộ sinh cần phải theo dõi sát sao và chú ý đặc biệt, đồng thời cũng thông báo cho ê kíp gây mê hồi sức bên phòng mổ có sự chuẩn bị sẵn sàng hành động.
- PV: Tham gia vào rất nhiều "cuộc chiến" giành lại sự sống từ thần chết cho các sản phụ nhiễm Covid-19, cảm xúc của chị thế nào?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Tôi không nhớ ca cứu được, chỉ nhớ ca thất bại. Trong công việc, ai cũng có nguyên tắc và đặt cho mình mục tiêu nào đó. Mục tiêu công việc của tôi là luôn làm đúng, làm tốt, chẩn đoán ra bệnh, đánh giá đúng tình trạng BN và trị đúng nguyên nhân. Vì vậy mà những ca thành công cứu được em bé và mẹ đương nhiên tôi thấy vui, vì mình đã làm đúng.

BS Phương thường nhớ các ca bệnh thất bại hơn là các ca cứu được. (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

BSCC

Tuy nhiên, tôi lại không ấn tượng nhiều lắm những ca mình đã cứu được mà lại nhớ hoài những ca mình thất bại, và BN không qua được. Tôi thường cảm thấy đau lắm, vì chắc chắn phải có điều gì đó mình chưa làm đúng, làm tốt, phải có điều gì đó mình chưa hiểu, chưa làm được cho BN, nên mọi thứ mới như vậy. Tôi sẽ phải xem xét lại toàn bộ quá trình để tìm ra điều gì đó cần phải rút kinh nghiệm và cố gắng giải quyết liền, không để có ca thứ hai.
- PV: Vậy nguyên nhân thất bại đó là gì và các y bác sĩ đã khắc phục thế nào, thưa chị?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Nguyên nhân thất bại thì nhiều lắm! Covid-19 là đại dịch toàn cầu và tình hình dịch tại Việt Nam phức tạp nhất là đợt này. Chúng ta không ai có nhiều kinh nghiệm về Covid-19 cả. Chúng tôi phải cập nhật liên tục kiến thức của thế giới và mò mẫm áp dụng vào điều trị BN. Mỗi ngày, lúc giải lao hay hết giờ làm, trở về nhà, chúng tôi đều phải lên mạng tìm kiếm liên tục các phác đồ, hướng dẫn điều trị, diễn đàn, hội thảo trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi.
BV chúng tôi là BV sản phụ khoa, không phải một BV tổng quát với đầy đủ các chuyên khoa cơ bản như nội, ngoại, sản, nhi hay thêm các chuyên khoa sâu như can thiệp tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật thần kinh sọ não, chức năng hô hấp, đột quỵ...
Lĩnh vực hồi sức mà chúng tôi làm hằng ngày là hồi sức sau các phẫu thuật sản phụ khoa, không phải hồi sức chuyên sâu thần kinh, ICU… Trang thiết bị, máy móc, thuốc men trong các lĩnh vực hồi sức chuyên sâu chúng tôi cũng không có, do không dùng trước đây. Về nhân sự chăm sóc các ca suy hô hấp, thở máy thì chúng tôi cũng chỉ có các nữ hộ sinh, các điều dưỡng quen làm công việc phòng mổ đơn thuần. Khu điều trị BN Covid-19 được cải tạo lại từ khu phòng mổ cũ của BV, có nhiều thứ về thiết kế cũng chưa phù hợp hẳn, nên phải vừa hoạt động, vừa cải tạo xây dựng thêm. Mọi thứ đều mới tinh, vì vậy mà khó khăn là trăm bề. Mỗi ngày chúng tôi đều phải học, thích nghi, và thay đổi từng chút một, để dần tốt hơn.

Thai phụ nhiễm Covid-19 đổ gục rất nhanh

- PV: Chị có thể chia sẻ về trường hợp BN khiến chị nhớ nhất khi tham gia vào "cuộc chiến" này?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Có một trường hợp thai phụ 18 tuổi, mang thai 28 tuần, có lẽ là ngoài ý muốn và bị gia đình la rầy, nên em bỏ nhà đi, rồi nhiễm Covid-19 và vô viện. Sáng đó, khi vừa vô nhận trực, tôi được một bác sĩ sản mời đến xem tình trạng của em vì thở mask có túi không cải thiện.

Những giây phút chạy đua với Thần chết giành lại sự sống cho thai phụ

Đoàn phim "Ranh giới" cung cấp

Tôi kéo đến một máy thở HFNC để thay thế, rồi vừa thao tác, vừa nói chuyện với em để giải thích cho em hiểu và hợp tác, vừa hướng dẫn đồng nghiệp sản khoa cách sử dụng máy. Em còn rất nhỏ, đáng tuổi con tôi, khuôn mặt nhỏ xinh, xin tôi cho ngồi, thay vì nằm thở, tôi đồng ý.
Rồi khi thay xong cái HFNC thì ô xy máu của em cải thiện hẳn, tay chân hồng hào lên ngay, SpO2 lên dần, đến 96% rồi ổn định ở mức đó. Tôi chỉ cho BS sản và em xem kết quả cải thiện, rồi động viên và mở nhạc cho em và các BN cùng phòng đều nghe. Rồi tôi quay về phòng mổ mà trong lòng thấy rất vui. Đột nhiên, khoảng một tiếng rưỡi sau thì tôi nghe tiếng gọi hỗ trợ.
Tôi chạy đến nơi thì thấy em đã đổ gục xuống rồi, vội vàng báo động cả ê kíp và tiến hành hồi sức cấp cứu ngưng thở, ngưng tim cho em tại giường, đồng thời chuẩn bị khẩn trương mổ lấy em bé ra, vì thai của em đã được 28 tuần và còn sống. Vậy mà, sau hơn 1 giờ hồi sức tích cực, em cũng không qua khỏi, đứa bé trong bụng em cũng ra đi, ngay khi mẹ đổ gục xuống.
Một trường hợp khác khi tôi vào nhận trực đêm, BN quá nặng đã được hội chẩn chuyển viện sang BV Bạch Mai, ngay lúc chuyển BN sang băng ca thì điện thoại của BN reo. Tôi bắt máy thì đó là cuộc gọi từ chú tổ trưởng khu phố, báo sáng mai ra phường lãnh quà. Tôi vội báo cho chú tình trạng BN, và nhờ thông báo dùm gia đình.
Dù tôi biết việc làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, nhưng nếu được có lời khuyên thì tôi khuyên mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động tránh thai trong đại dịch Covid-19 này, nhất là khi tình hình dịch còn chưa ổn, chưa được kiểm soát tốt vì giữ cho bản thân mình không bị nhiễm Covid-19 là đã rất khó khăn rồi. 
 

BS Lữ Thị Khánh Phương

Sau đó, tôi nhận liền cuộc điện thoại từ người chồng. Anh chồng khóc bên đầu dây bên kia và năn nỉ xin chúng tôi ráng cứu sống vợ anh. Nghe đến đó, tôi rất đau, vì mình đã cố gắng hết sức và quá khả năng của mình rồi, mới phải chuyển BN đi. Tôi muốn hứa, nhưng lại không dám hứa, chỉ ráng giải thích cho anh tình trạng của vợ anh, và hứa là sẽ chuyển chị ấy sang BV kia an toàn, để chị ấy tiếp tục được tiếp tục đúng tuyến. Nhưng sang đó vài ngày, chúng tôi nhận được tin, chị ấy cũng đã không qua khỏi. May mắn thay là con của chị ấy đang nằm ở khoa sơ sinh của BV chúng tôi, và đang rất khỏe mạnh và có kết quả âm tính với Covid-19.
- PV: Cảm xúc của chị thế nào khi nghe người nhà BN khóc bên điện thoại, đặt hết hy vọng lên mình?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Tôi rất đau lòng và khó xử. Mục tiêu của mình là làm tốt công việc, mà trong công việc điều trị BN Covid-19 này, mọi thứ mênh mông và mông lung quá! Một ca mà mình bất lực khó chịu lắm. Mình chỉ nghĩ là khi đã quá khả năng của mình rồi thì chuyển BN sang BV khác với mong muốn là BN sẽ được điều trị tốt hơn, đúng chuyên khoa hơn, đúng tầng điều trị hơn thôi. Tôi luôn hy vọng và tìm kiếm một cơ hội khác cho BN. Nên khi người nhà họ xem mình là chỗ dựa và trao hết niềm tin cho mình thì mình có cảm giác có lỗi với họ. Vì vậy mà tôi thấy khó chịu lắm!
- PV: Ngoài những câu chuyện đau lòng cứ thấm dần vào trong suy nghĩ thì có khoảnh khắc nào chị thấy vui trong quá trình điều trị cho thai phụ nhiễm Covid-19?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Đối với BN Covid-19, khi đã tới bước phải đặt nội khí quản, thở máy, là bệnh rất nặng, không biết người bệnh có qua được không. Vì vậy, trước khi đặt nội khí quản, chúng tôi sẽ nán lại một chút, thay đổi cách thức một chút, lấy điện thoại của BN gọi cho người thân nào mà họ muốn gặp nhất (nếu họ còn tỉnh táo) để cho họ được nhìn thấy nhau, được nói với nhau vài câu, thậm chí là khóc nghẹn ngào khi biết người thân mình đang rất nặng. Khoảnh khắc đó nhói lòng lắm! Và tôi vui, nếu ngay thời điểm đó mà liên lạc được với người thân của họ. Chúng tôi biết, chỉ vài ba câu không đủ để người thân họ kịp hiểu được vấn đề, nhưng chúng tôi vẫn gọi, rồi sau khi mọi thứ ổn định thì chúng tôi sẽ gọi lại và giải thích kỹ lại hơn, cũng như sẵn sàng trao đổi thêm nhiều điều khác.
Một niềm vui khác là khi chúng tôi phát hiện ra và can thiệp kịp thời, để cho một ca bệnh nào đó không trở nặng hơn. Hoặc khi lấy được em bé ra khỏi bụng người mẹ đã vào suy hô hấp, mà nghe được tiếng khóc của em bé, dù nhỏ, dù yếu ớt, dù ở một tuần tuổi không mong muốn. Mọi thứ cảm xúc cứ vỡ òa ra như vậy.
- PV: Không khí trong khu điều trị cho thai phụ nhiễm Covid-19 những ngày qua như thế nào, chị làm gì để BN cảm thấy thoải mái?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Khu điều trị Covid-19 có diện tích rất hạn chế, nên rất ngột ngạt. BN Covid-19 khi có kết quả PCR khẳng định rồi thường sẽ hoảng loạn, lo lắng, khó chấp nhận sự thật. Đồng thời, trong trạng thái giảm ô xy máu (như một người đang ngạt thở hoặt chết đuối), các BN sẽ không thể nằm yên, hợp tác thở ô xy theo cách mà họ cần để cải thiện ô xy máu và tổn thương phổi. Họ lại vô viện mà không có người nhà ở cạnh bên hỗ trợ.
Có những thai phụ vào viện khi thai đã lưu rồi, họ được theo dõi chuyển dạ tự nhiên, kết hợp với hỗ trợ hô hấp trong thời gian chờ chuyển dạ, nhưng họ không hiểu, cứ muốn chúng tôi phải giải quyết cái thai ra liền cho họ, nếu không đáp ứng thì họ la lối, chửi mắng nhân viên y tế rất thậm tệ, với những lời lẽ rất khó nghe. Rồi thai phụ vào chuyển dạ, đau đớn rên xiết hoặc la hét không ngừng. Rồi những BN khi hô hấp yếu dần, hoảng loạn, vật vã hoặc kích động tứ tung. Cộng vào đó là tiếng các máy móc hoạt động, nào máy thở, máy theo dõi sinh hiệu, máy hút đàm nhớt, các bơm tiêm điện đang truyền thuốc, tiếng điện thoại reng liên tục, tiếng trao đổi của các đồng nghiệp, tiếng chân người đi như chạy, tiếng thở hổn hển của mọi người trong bộ đồ phòng hộ. Với tôi, tất cả hợp âm trong khu điều trị cho thai phụ nhiễm Covid-19 thật sự kinh khủng! Có lúc tôi muốn dùng từ địa ngục luôn vậy. Tất cả âm thanh gì trên đời dường như đều có ở trong đó.

Niềm vui của các BS tại khu K1 là cứu được cả mẹ và bé

Fanpage BV

Với bản thân tôi, tôi quyết định chọn lọc âm thanh mà nghe. Tôi chỉ lắng nghe những gì cần thiết, cho công việc điều trị BN của mình. Muốn vậy, cần phải chậm lại một chút, tập trung một chút, tĩnh tâm, lắng lòng một chút, thì làm được. Nếu không, chắc tôi là người đầu tiên phát điên, vì không chịu nổi sự ô nhiễm tiếng ồn kinh khủng như thế.
Sau đó, tôi mang vào khu điều trị một số máy phát nhạc kết nối bluetooth, có thẻ nhớ đến 32GB. Tôi chép vào đó các bài nhạc sóng não delta có dung lượng lớn (do một BS đồng nghiệp trong BV gợi ý), các bài nhạc thiền định, nhạc không lời, tiếng suối chảy, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót, những âm thanh của thiên nhiên... mở lên cho mọi người cùng nghe. Rồi tôi nghe thấy các tiếng ồn giảm dần, những âm thanh không cần thiết không còn phát ra nữa, tiếng báo động của các máy móc dường như nhỏ lại, vừa đủ nghe. Rồi tôi nhận thấy các đồng nghiệp làm việc hăng say hơn, vui hơn, bớt mệt mỏi hơn, và tình trạng của các BN cũng dần ổn định hơn, giảm nguy kịch hơn.
Với mỗi BN, chúng tôi có cách riêng để tiếp cận và thuyết phục họ hợp tác thở  ô xy, hợp tác điều trị. Mỗi BS đều phải động não điều này. Vì cuộc chiến này không phải là của cá nhân ai, mà là của tất cả mọi người.

Thời điểm này các chị em không nên mang thai!

- PV: Chị trực tiếp tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều ca bệnh mỗi ngày. Xin được hỏi chị, ở thời khắc nguy kịch, thai phụ nhiễm Covid-19 thường yêu cầu BS điều gì?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Lạ lắm! Trong đại dịch Covid-19 này, nhiều thai phụ khi nguy kịch thì yêu cầu bác sĩ lấy đứa con trong bụng mình ra, vì họ nghĩ chính đứa con làm cho mình khó thở như vậy. Tôi gặp người muốn lấy con nhiều hơn người muốn giữ con. Trong đại dịch, đứng trước sự sống và cái chết, thì các nỗi sợ hãi bộc lộ ra, người bệnh buộc phải nghĩ cho mình nhiều hơn. Buồn lắm! Điều đó làm chúng tôi thấy nhói lòng. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn giải thích cho BN về Covid-19, về mối liên hệ mẹ con, về sự an toàn cho cả hai. Ngược lại, cũng có rất nhiều thai phụ, trước khi được đặt nội khí quản, trong hơi thở hổn hển, đứt quãng, vẫn muốn nhìn thấy chồng con của mình ở nhà, vẫn muốn nghe giọng nói của những người yêu thương. Điều đó, tiếp thêm động lực để chúng tôi cố gắng.
- PV: Làm tại BV phụ sản đã nhiều năm, chị cảm nhận thế nào về thiên chức làm mẹ trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay?
- BS Lữ Thị Khánh Phương: Khi mang thai là cơ thể bị suy giảm đề kháng. Mang thai bình thường đã rất vất vả rồi, nếu lỡ có nhiễm bệnh gì thì cũng hạn chế trong việc dùng thuốc, nào ốm nghén, nào thai hành, không ăn uống được gì, ăn vào là ói, uống vào là ói, rồi hoa mắt, chóng mặt, khó thở, đi đứng khó khăn. Nếu thai phụ vừa mang thai, vừa đi làm thì chịu thêm các áp lực của công việc nữa. Thai phụ gặp vấn đề trong gia đình thì càng thêm phần âu lo. Người mang thai tối đến nằm xuống thì khó thở, khó ngủ với biết bao nhiêu lo lắng cho gia đình nhỏ của mình về tài chính, chồng con, tương lai. Thai càng lớn thì càng vất vả hơn, nặng nề hơn, khó xoay trở hơn, khó thở nhiều hơn. Việc phải đeo khẩu trang trong đại dịch Covid-19, lại càng thêm phần ngột ngạt, khó thở. Nếu thai phụ không may bị nhiễm Covid-19 sẽ dễ đẩy tình trạng khó thở nặng và nhanh hơn, vào suy hô hấp.

BS Khánh Phương khuyên phụ nữ nên chuủ động tránh thai trong giai đoạn đại dịch này

Vũ Phượng

Thai phụ bị Covid-19 có thêm sự tổn thương phổi, giảm ô xy hóa máu, các phế nang trong phổi đông đặc lại, xẹp lại, không lấy được ô xy. Khi mẹ bị thiếu ô xy thì máu qua nhau nuôi con cũng thiếu ô xy, nên thai nhi sẽ không được nuôi dưỡng tốt, sẽ dễ bị sảy hoặc lưu trong bụng mẹ. Khi mẹ thiếu ô xy nghiêm trọng, hoặc phổi tổn thương quá nhiều, sẽ dẫn đến suy hô hấp, phải đặt nội khí quản và hỗ trợ thở bằng máy, thì tình mạng của thai nhi cũng khó giữ. Vì vậy, các gia đình nên cân nhắc và chủ động tránh mang thai trong giai đoạn ngặt nghèo này.
Dù tôi biết việc làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, nhưng nếu được có lời khuyên thì tôi khuyên mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động tránh thai trong đại dịch Covid-19 này, nhất là khi tình hình dịch còn chưa ổn, chưa được kiểm soát tốt vì giữ cho bản thân mình không bị nhiễm Covid-19 là đã rất khó khăn rồi.
Trong một gia đình, chỉ cần một người bị nhiễm, là gần như cả gia đình đều bị lây lan, rất khổ. Việc này cũng cần sự hợp tác từ người chồng. Chúng tôi rất mong mọi người đều hiểu rõ về bệnh, hiểu rõ cơ chế lây lan, tuân thủ đúng các khuyến cáo và hợp tác với chính quyền, y tế để đại dịch mau chóng được kiểm soát, trả lại cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà.
Xin cảm ơn BS về cuộc trò chuyện. Chúc chị nhiều sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.