Trường ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-UMP) mới đây đã khai giảng lớp tiếng Pháp đầu tiên dành cho sinh viên, cán bộ ngành y dược. Đây là khóa học đầu tiên nằm trong chương trình hợp tác giữa VNU-UMP với Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Chương trình học gồm 2 học phần chính: học phần tiếng Pháp phổ thông từ trình độ A1 đến trình độ B2; học phần tiếng Pháp thuật ngữ chuyên ngành y khoa. Chương trình giúp sinh viên và học viên có khả năng thực hành tiếng Pháp để tham gia học tập, thực tập, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo - nghiên cứu có sử dụng tiếng Pháp, cũng như có năng lực học tập, nghiên cứu, tự nghiên cứu trong các chuyên ngành y, dược của người học.
Mở ra cơ hội nghề nghiệp cho những người làm về y, dược
Theo GS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng VNU-UMP, tiếng Pháp không chỉ là công cụ giao tiếp đơn thuần, mà còn là phương tiện truyền tải văn hóa, lịch sử và mở ra những cơ hội nghề nghiệp vô giá. Sự phong phú về từ vựng và sự chính xác làm cho ngôn ngữ này trở thành một công cụ thiết yếu trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, bao gồm y học và dược học.
Ngoài những khía cạnh văn hóa, tiếng Pháp mở ra cơ hội quan trọng trong lĩnh vực nghề nghiệp. Đặc biệt, là trong các lĩnh vực y học và dược học. Do đó, việc thành thạo ngôn ngữ này là một lợi thế lớn với các sinh viên y dược, với các cán bộ làm việc trong lĩnh vực sức khỏe.
Nhiều quốc gia nói tiếng Pháp như Pháp, Bỉ, Canada, Thụy Sĩ đều cung cấp vô số cơ hội học tập và nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Cạnh đó, nếu giỏi tiếng Pháp, những người làm việc trong lĩnh vực y dược sẽ được tiếp cận tài liệu khoa học, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học quốc tế, tham gia các dự án quy mô lớn.
"Với vai trò là ngôn ngữ của nghiên cứu y tế và dược phẩm tại nhiều trung tâm danh tiếng toàn cầu, các ấn phẩm khoa học, các hội thảo quốc tế và các hợp tác giữa các tổ chức thường dựa vào tiếng Pháp như ngôn ngữ giao tiếp và trao đổi. Việc thành thạo ngôn ngữ này sẽ mang lại cho các bạn một lợi thế đáng kể trong việc hòa nhập vào các mạng lưới nghề nghiệp và tham gia tích cực vào những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn", GS Lê Ngọc Thành nói.
Y tế là "lá phổi của Pháp ngữ" ở Việt Nam
Ông Arnaud Pannier, tùy viên hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thì ví von "y tế từ lâu luôn là một trong những lá phổi của Pháp ngữ ở Việt Nam", với hàm ý nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hữu ích của hai nước trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ông Arnaud Pannier cho biết, việc sinh viên ngành y học giỏi tiếng Pháp sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho các em, giúp các em có triển vọng tham gia chương trình đào tạo bác sĩ nội trú đào tạo chuyên sâu dành cho các bác sĩ chuyên khoa DFMS, DFMSA (chương trình FFI trước đây). Trong 30 năm qua, khoảng 3.000 bác sĩ Việt Nam đã được thụ hưởng chương trình này (riêng năm nay có 50 bác sĩ).
Nhiều bác sĩ tham gia chương trình hiện đã là lãnh đạo Bộ Y tế, hiệu trưởng, giám đốc, trưởng khoa tại các bệnh viện lớn của Việt Nam, góp phần to lớn và có vai trò quan trọng cho sự phát triển của hệ thống y tế Việt Nam.
Bình luận (0)