69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024)

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh: Người 'giải mã' giấc ngủ giúp bệnh nhân sống hạnh phúc

Lê Cầm
Lê Cầm
27/02/2024 04:08 GMT+7

Từ bỏ ước mơ trở thành nhà toán học, cậu học trò Nguyễn Như Vinh của 32 năm về trước ấp ủ giấc mơ có thể giúp được nhiều người khỏi bệnh dù lúc này còn mơ hồ về ngành y.

"Lúc đó tôi chỉ biết học y là để sau này chữa bệnh cho nhiều người nên tạm gác đam mê nghiên cứu toán học. Vào trường y rồi thì càng học càng mê. Đến nay, sau hàng chục năm đi làm vẫn thấy yêu nghề, thương bệnh nhân, biết ơn vì mình đã chọn đúng nghề", Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Phó chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TP.HCM, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bày tỏ.

Thấm thoát đã 32 năm kể từ khi bước chân vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đến nay bác sĩ Nguyễn Như Vinh đã thăm khám cho hàng ngàn ca bệnh hô hấp, ngưng thở khi ngủ. Từng ca bệnh vẫn in sâu trong ký ức ông.

"Tôi chọn ngành hô hấp vì thấy xung quanh rất nhiều người gặp các vấn đề về đường thở, hen suyễn, phổi, số khác gặp vấn đề với giấc ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ khiến cuộc sống rơi vào bế tắc", bác sĩ Vinh tâm sự.

Xúc động vì bệnh nhân 'lấy lại' giấc ngủ

Một nam thanh niên 35 tuổi, ở TP.HCM, làm việc trong ngành công nghệ thông tin cùng vợ đến phòng khám trong tâm trạng hoang mang lo lắng. "Khoảng vài tháng gần đây, người chồng ban ngày đi làm thì luôn mệt mỏi, uể oải không thể tập trung làm việc. Tối về thì cáu gắt vợ, người lừ đừ nhưng lại không ngủ được. Đã đi khám nhiều nơi, đông tây y nhưng không tìm ra bệnh. Người vợ lo sợ chồng mắc bệnh nan y", bác sĩ Vinh nhớ lại.

Bác sĩ Vinh kiểm tra, dùng máy đo, phân tích thì phát hiện bệnh nhân gặp chứng ngưng thở khi ngủ. Sau điều trị, bệnh nhân có giấc ngủ sâu, tươi tỉnh trở lại, làm việc hiệu quả và vui vẻ với vợ con. Hiện hai vợ chồng đã đi định cư và có cuộc sống hạnh phúc.

Tương tự, người phụ nữ (54 tuổi, quê Nha Trang) là chủ một cửa hàng thời trang. Trong 3 năm qua, cô cứ nằm ngủ là khó thở, thức trắng đêm, người mệt mỏi phải đóng cửa tiệm. Cô đi nhiều bệnh viện thăm khám nhưng các kết quả cận lâm sàng đều bình thường. Cô rất hoang mang vì không biết mình bị bệnh gì, chữa chạy sao cho khỏi. Được người quen giới thiệu đến khám bác sĩ Vinh, cô được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Bác sĩ chỉ định dùng máy trợ thở đẩy không khí qua chỗ hẹp giúp bệnh nhân ngủ ngon giấc.

Sau lần thăm khám trên được "bắt" đúng bệnh, sức khỏe cô hồi phục tốt, ăn ngủ điều độ, mở lại cửa hàng để kinh doanh.

"Khi nghe cô ấy gọi điện báo lần đầu tiên được ngủ ngon sau 3 năm mất ngủ tôi rất xúc động và vui mừng. Với một bệnh nhân khi gặp vấn đề sức khỏe, điều quan trọng nhất là bắt được đúng bệnh từ đó có hướng giải quyết giúp bệnh nhân ổn định sức khỏe", bác sĩ Vinh bộc bạch.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh: Người 'giải mã' giấc ngủ giúp bệnh nhân sống hạnh phúc- Ảnh 1.

Bác sĩ Vinh thăm khám và tư vấn cho người bệnh

LÊ CẦM

Trăn trở về mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam

Từ quá trình thăm khám cho bệnh nhân hô hấp, hiểu rõ những điều bệnh nhân cần, năm 2006 bác sĩ Vinh tham gia thăm khám tại Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

"Tuy nhiên khái niệm bác sĩ gia đình ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn mới mẻ. Nhiều người vẫn nghĩ đó là bác sĩ riêng đến nhà khám, chỉ người có điều kiện, người giàu mới được tiếp cận", bác sĩ Vinh chia sẻ.

Theo bác Vinh, bác sĩ gia đình là người có kiến thức rộng ở nhiều mặt bệnh, có thể tư vấn chăm sóc toàn diện cho người bệnh, nắm rõ bệnh sử của người bệnh và gia đình, là người thăm khám cho bệnh nhân đầu tiên, khi cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa mới chỉ định chuyển bệnh nhân sang chuyên khoa phù hơp.

Ngoài ra, bác sĩ gia đình cũng sẽ đánh giá nguy cơ bệnh dựa vào tuổi tác, bệnh sử gia đình... để đưa ra các khuyến cáo dự phòng giúp phòng bệnh thay vì để đến lúc nặng mới phát hiện. Bác sĩ Vinh và các cộng sự đang thực hiện dự án nghiên cứu về cây gia hệ sức khỏe, vẽ ra bệnh sử từ thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái. Khi đi thăm khám, người bệnh có thể cầm theo gia phả bệnh để bác sĩ tham khảo nhằm quản lý sức khỏe tốt hơn cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh: Người 'giải mã' giấc ngủ giúp bệnh nhân sống hạnh phúc- Ảnh 2.

Bác sĩ Vinh mong mô hình bác sĩ gia đình sẽ phát triển tại Việt Nam để bệnh nhân được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu

LÊ CẦM

"Nếu một người có 4-5 triệu chứng bệnh thay vì đi 4-5 chuyên khoa với bệnh án riêng lẻ thì bác sĩ gia đình có thể thăm khám các vấn đề cho bệnh nhân. Theo thống kê của các nước trên thế giới, bác sĩ gia đình có thể giúp giải quyết 90% các vấn đề sức khỏe thông thường. Điều này giúp giảm tải cho các chuyên khoa, cho các bệnh viện tuyến cuối nếu bệnh thông thường, chưa phải lên tuyến trên. Sự tham vấn của bác sĩ gia đình cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh vì họ theo sát bệnh án của bệnh nhân và gia đình", bác sĩ Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên theo bác sĩ Vinh, hiện năng suất của phòng khám bác sĩ gia đình hiệu quả vẫn chưa cao, nhiều người dân vẫn chưa biết và hiểu về lợi ích của mô hình, thuốc men hiện chưa đi liền khả năng tiếp cận người bệnh. Vì tại các trạm y tế, trung tâm y tế chưa có đầy đủ các loại thuốc bệnh nhân cần, nếu mua thuốc theo đúng toa bác sĩ kê, người bệnh vẫn phải tự chi trả tiền.

"Tôi mong mô hình bác sĩ gia đình ở Việt Nam sẽ phát triển để người dân được chăm sóc y tế ban đầu và dự phòng bệnh tốt hơn", bác sĩ Vinh nói.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh: Người 'giải mã' giấc ngủ giúp bệnh nhân sống hạnh phúc- Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh

M.T

Mong sinh viên ngành y mãi yêu nghề

Vừa là bác sĩ đồng thời là giảng viên tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Vinh cho biết hai công việc này bổ trợ qua lại giúp mình có điều kiện trau dồi chuyên môn tốt hơn, hiểu và hỗ trợ các em sinh viên nhiều hơn.

Bác sĩ Vinh nhớ lại trong giai đoạn dịch Covid-19, với sự phân công của nhà trường, ông là đội trưởng tư vấn từ xa chống dịch Trường Đại học Y Dược TP.HCM với lực lượng hơn 3.000 người, trong đó có khoảng 1.000 nhân viên y tế và 2.000 sinh viên.

"Các em đang trên giảng đường đại học với nhiều hoài bão, lạc quan về nghề thì bị sốc khi chứng kiến bệnh nhân tử vong trước mắt mà không thể cứu được. Lúc đó tôi vừa là chỉ huy, vừa là người thầy, người tư vấn tâm lý, an ủi động viên các em. Dù công việc có khó khăn đến đâu thì người làm nghề y vẫn phải vững vàng tâm lý, còn rất nhiều người đang chờ chúng ta giúp đỡ, không thể gục ngã lúc này", bác sĩ Vinh bộc bạch.

Theo bác sĩ Vinh, hiện nay thế sinh viên trẻ có nhiều điều kiện để tiếp cận kiến thức ngành y, kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn.

"Các em sinh viên chọn nghề y với nhiều lý do khác nhau. Nhưng là lý do gì thì tôi mong các em luôn yêu nghề, kiên trì vững tâm với nghề", bác sĩ Vinh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.