Bác sĩ nói gì về 'giờ ăn sáng tốt nhất'?

Thiên Lan
Thiên Lan
12/08/2024 00:09 GMT+7

Bạn có thường bỏ bữa sáng không? Nếu có, hãy tránh làm điều này để ngăn ngừa các tác hại cho sức khỏe. Bạn nên biến bữa sáng thành bữa ăn quan trọng trong ngày và tận hưởng vô số lợi ích cho cơ thể và tâm trí.

Sau đây, chuyên gia dinh dưỡng Ekta Singhwal, bác sĩ tại Hệ thống bệnh viện Ujala Cygnus (Ấn Độ), đưa ra lời khuyên về thời điểm tốt nhất để ăn sáng và giải thích tầm quan trọng của việc ăn sáng đúng giờ.

Ăn sáng giờ nào là tốt nhất?

Bác sĩ nói gì về 'giờ ăn sáng tốt nhất'?- Ảnh 1.

Ăn sáng trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy sẽ khởi động quá trình trao đổi chất, cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động tối ưu trong suốt cả ngày

Ảnh: Pexels

Bác sĩ Singhwal nhấn mạnh: Ăn sáng trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy sẽ khởi động quá trình trao đổi chất, cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động tối ưu trong suốt cả ngày. Qua đêm, cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái nhịn ăn và bữa sáng là cơ hội đầu tiên để nạp năng lượng và bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu.

Lợi ích của việc ăn sáng đúng giờ

Bác sĩ Singhwal giải thích: Theo phân tích có hệ thống năm 2021, ăn sáng đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường, béo phì và huyết áp cao, theo trang tin sức khỏe Only My Health.

Mức đường huyết ổn định

Bác sĩ Singhwal nói thêm: Ăn sáng bổ dưỡng trong vài giờ đầu sau khi thức dậy có thể giúp duy trì đường huyết. Sau khi nhịn ăn qua đêm, mức đường huyết có thể giảm xuống, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, cáu kỉnh và khó tập trung.

Một bữa sáng cân bằng có chứa carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh sẽ giải phóng glucose đều đặn vào máu, ngăn ngừa đường huyết biến động mạnh. Từ đó giúp duy trì mức năng lượng và hỗ trợ tâm trạng tổng thể.

Cải thiện chức năng nhận thức

Ăn sáng trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy có thể tăng cường chức năng nhận thức và cải thiện sự minh mẫn. Bữa sáng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng hỗ trợ sức khỏe và chức năng não, bao gồm vitamin, khoáng chất và axit béo thiết yếu, theo Only My Health.

Bác sĩ Singhwal nói thêm: Những chất dinh dưỡng này giúp nuôi dưỡng các tế bào não, tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh và tạo điều kiện cho hiệu suất nhận thức tối ưu. Những người ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng thường có trí nhớ, khả năng tập trung và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Ngăn ngừa các bệnh mạn tính

Bác sĩ nói gì về 'giờ ăn sáng tốt nhất'?- Ảnh 2.

Những người ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng thường có trí nhớ, khả năng tập trung và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn

Ảnh: Pexels

Ăn bữa sáng lành mạnh là cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới với các chất dinh dưỡng thiết yếu. Bác sĩ Singhwal cho biết: Bữa sáng cân bằng kết hợp nhiều nhóm thực phẩm, như ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, trái cây và rau quả, đảm bảo cơ thể nhận được các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa thiết yếu cần thiết để hoạt động bình thường.

Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng vào bữa sáng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, như bệnh tim, tiểu đường và béo phì.

Điều chỉnh cảm giác thèm ăn

Ăn bữa sáng thỏa mãn trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy giúp kiểm soát hoóc môn gây đói, thúc đẩy cảm giác no và thỏa mãn kéo dài cho đến bữa ăn tiếp theo.

Mẹo cho bữa sáng lành mạnh

Để tận dụng tối đa bữa sáng, nên kết hợp cân bằng giữa carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh. Do đó, hãy chọn thực phẩm nguyên chất, như yến mạch phủ trái cây tươi và các loại hạt, sữa chua không đường với granola và quả mọng, hoặc bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với bơ và trứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.