Mẹ bé cho biết bé xuất hiện khối "lạ" khoảng 1 tháng tuổi, hoàn toàn không đau, kích thước có vẻ lớn hơn từ khi phát hiện. Vì tình hình dịch Covid-19 kéo dài nên mẹ không thể cho bé đi khám sớm được. Đến nay khi bé 1 tuổi, gia đình đưa bé đến phòng khám Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ngày 2.11, bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Ngọc Duy Cần cho biết: Qua quá trình hỏi bệnh sử và thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé có “tràn dịch màng tinh hoàn phải”.
Trong quá trình phát triển của tinh hoàn, sẽ hình thành ống phúc tinh mạc là một ống thông từ ổ bụng xuống bìu. Bình thường, sau khi sanh, ống thông này sẽ được bít lại. Tuy nhiên, do quá trình xơ hoá không hoàn chỉnh, ống thông này có thể vẫn còn thông thương từ ổ bụng xuống bìu, thành bệnh tràn dịch màng tinh hoàn hay còn gọi là thuỷ tinh mạc.
BVCC |
Đây là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, chiếm từ 0,8 - 4,4% số trẻ sinh ra. Trẻ thường bị bên phải nhiều hơn bên trái, có khoảng 10% trẻ bị cả hai bên.
Khác với thoát vị bẹn là ống thông kích thước to nên cơ quan trong bụng có thể sa xuống bìu, ống thông trong tràn dịch màng tinh hoàn nhỏ nên chỉ có dịch ổ bụng xuống bìu. Tràn dịch màng tinh hoàn có thể thông thương hoặc không thông thương với ổ bụng bên trên.
Trường hợp có thông thương, khối phồng có thể thay đổi kích thước trong ngày: khối to ra nhiều hơn khi bé vận động, đi tiêu, ho... và nhỏ lại sau một đêm ngủ.
Tràn dịch màng tinh hoàn có thể tự hết trước 2 tuổi, vì vậy không khuyến cáo mổ sớm trước 1 tuổi. Nhưng không vì vậy mà chúng ta có thể đợi tới trẻ lớn hơn vì sau độ tuổi này không thể tự hết và có thể gây căng đau khi bé chạy nhảy.
Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cột đầu trên của ống phúc tinh mạc thông thương giữa bìu và ổ bụng, đồng thời thoát dịch (mà người nhà nghĩ là tinh hoàn thứ 3 như trường hợp nêu trên). Sau khi phẫu thuật, vùng bìu trẻ trở về như bình thường và trẻ có thể được xuất viện về cùng ngày.
Bình luận (0)