Các bác sĩ cho biết mặc dù uống nước lạnh khiến mạch máu co lại, nhưng không đủ để gây ra đột quỵ. Họ cho biết không có nguy hiểm nào khi uống nước đá lạnh để hạ nhiệt, đặc biệt là khi bị say nắng, theo hãng tin AFP.
Bác sĩ Richard Santos, chủ tịch của Trường Y học cấp cứu Philippines cho biết bài đăng trên mạng xã hội đã tạo ra mối liên hệ sai lệch giữa đột quỵ và việc uống nước đá lạnh trong thời tiết nóng.
Một số nội dung trong bài đăng là đúng - nước lạnh thực sự khiến các mạch máu co lại. Đó là phản ứng sinh lý của cơ thể khi tiếp xúc với lạnh, bác sĩ Richard Santos nói với AFP.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy uống nước đá lạnh có liên quan trực tiếp đến đột quỵ do động mạch bị tắc hoặc mạch máu bị vỡ, bác sĩ Richard Santos giải thích.
Bác sĩ Athura Das, chuyên gia y học cấp cứu tại Bệnh viện chuyên khoa Holy Cross (Ấn Độ) cũng giải thích rõ huyết áp cao, hút thuốc, mức cholesterol cao và bệnh tiểu đường là những nguyên nhân gây đột quỵ.
Bác sĩ Das cho rằng uống nước đá lạnh ngay sau khi tiếp xúc với thời tiết nóng bức sẽ không gây đau tim hoặc đột quỵ. Cơ thể có khả năng thích nghi với các điều kiện thời tiết và nhiệt độ khác nhau, theo trang tin Onmanorama (Ấn Độ).
Tuy nhiên, tốt nhất nên nghỉ ngơi một chút trước khi uống nước kể cả nước đá lạnh. Khi uống nước lạnh trong thời tiết nóng, các mạch máu trong dạ dày có thể co lại ngay lập tức. Từ đó có thể gây đau bụng hoặc cũng có thể gây đau đầu, nhưng không liên quan đến đột quỵ.
Không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào chứng minh rằng uống nước đá lạnh ngay sau khi tiếp xúc với nắng nóng có thể dẫn đến đột quỵ.
Điều quan trọng là phải giữ cho cơ thể đủ nước trong thời tiết nóng để ngăn ngừa mất nước và kiệt sức, bác sĩ Das lưu ý, theo Onmanorama.
Bình luận (0)