Sao lại để đến nỗi nhiều bệnh viện lâm cảnh thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trầm trọng khiến việc chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân bị gián đoạn nghiêm trọng chỉ vì các nhà quản lý ngành y “sợ đấu thầu”, “sợ sai”? Bệnh nhân đến kỳ hẹn truyền thuốc trị ung thư thì được báo hết thuốc. Bệnh nhân cần mổ mắt thì bệnh viện không có thủy tinh thể nhân tạo. Bỗng dưng nỗi “sợ đấu thầu”, “sợ sai” xâm chiếm trái tim và khối óc các nhà quản lý ngành y đến mức tính mạng và sức khỏe của người bệnh bị để lại phía sau. Lạc đâu mất rồi, điều thứ 13 trong Quy ước đạo đức ngành y của Hiệp hội Y khoa thế giới (World Medical Association): “Hành động vì lợi ích của bệnh nhân”?
Các quy định mua sắm, đấu thầu dùng tiền ngân sách nhà nước chắc chắn phải chịu sự điều chỉnh của hàng loạt quy định kiểm soát rất khắt khe, thậm chí đến mức khắc nghiệt. Nhưng sự khắt khe, khắc nghiệt ấy xét cho cùng cũng là một “tấm khiên” rất giá trị giúp bảo vệ an toàn cho những người chính trực, vô tư, không vụ lợi cá nhân trong mua sắm đấu thầu dùng tiền ngân sách. Nó cũng đồng nghĩa rằng, nếu bạn làm đúng theo các trình tự đã hướng dẫn thì không việc gì phải sợ.
“Cây ngay không sợ chết đứng”, minh triết dân gian tưởng chừng rất vững chãi ấy dường như đang nghiêng ngả, chao đảo trước thử thách của thời cuộc. Thử thách mang tên đấu thầu. Thử thách mang tên VN Pharma. Thử thách mang tên Việt Á. Nhiều giám đốc CDC các tỉnh bật khóc khi bị bắt. Không ít người trong số họ từng mạnh miệng kiểu “không mua một bộ xét nghiệm nào của Việt Á”, “không nhận đồng nào từ Việt Á”. Rồi sau đó họ bị khui dính án tham ô Việt Á. Nhưng xét cho cùng, đó là do “cây không ngay” nên phải chết nhục, chứ họ không xứng đáng với trường hợp “cây ngay” mà phải chịu “chết đứng”. Minh triết “cây ngay không sợ chết đứng” vẫn luôn đúng.
Các bác sĩ ơi, xin đừng sợ! Người dân chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào đội ngũ blouse trắng, với không ít người đã nếm trải “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sẵn sàng xung phong vào tâm dịch để thực hiện lời thề Hippocrates. Người dân chúng tôi vẫn luôn đủ sáng suốt để ủng hộ những người thầy thuốc biết dấn thân vượt qua rào cản, khắc phục khó khăn để hết lòng chăm lo cho người bệnh theo đúng những điều cam kết y đức. Chắc chắn, vẫn đang có nhiều bác sĩ trong vai trò quản lý vừa thực hành đúng các quy định mua sắm đấu thầu vừa thực hành đúng các cam kết y đức. Sao lại có chuyện “sợ” tổ chức mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế đến mức bỏ mặc các bệnh nhân thiếu thuốc men điều trị, bỏ mặc bệnh viện thiếu thiết bị chuyên dụng để hành nghề?
Rất mong các bác sĩ đang đảm nhận chức vụ quản lý hãy can đảm vượt lên thử thách của thời cuộc để thực hành đúng phận sự người thầy thuốc!
Bình luận (0)