Bác sĩ ơi: Vì sao trẻ 3 năm không tăng chiều cao dù đã bổ sung canxi?

14/06/2019 09:07 GMT+7

Thưa bác sĩ, con trai của tôi năm nay 12 tuổi nhưng chỉ cao có 1,2 m. Cháu thấp nhất lớp và đặc biệt từ 3 năm nay, tôi đo mà không thấy cháu tăng chiều cao.

Tôi đã mua các loại thuốc bổ và canxi cho cháu uống bổ sung nhưng không cải thiện. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu bị sao? Có cách nào để cháu cao lên không? (Ngô Bảo Loan, 41 tuổi, ngụ TP.HCM)
Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM): Việc theo dõi phát triển của trẻ em rất quan trọng. Các bậc phụ huynh nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3 tháng/lần. Nếu chiều cao của bé chỉ tăng dưới 2 cm trong mỗi 6 tháng thì có nghĩa là chiều cao của bé đang có dấu hiệu bất thường.
Với nhiều bậc phụ huynh, khi con chậm phát triển chiều cao, thường cho rằng nguyên nhân là do thiếu canxi, dinh dưỡng và di truyền.
Thực tế, chậm phát triển chiều cao không chỉ liên quan đến những yếu tố trên mà còn do nhiều nguyên nhân khác như: nội tiết (thiếu hoóc môn tăng trưởng, suy tuyến giáp), thai nhi suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, trẻ sinh ra nhẹ cân, bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, hội chứng Down), một số loại thiếu máu (thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm), hậu quả của việc sử dụng một loại thuốc khi mang thai của bà mẹ…
Trong đó, thiếu hoóc môn tăng trưởng là bệnh lý có tỷ lệ 1/4.000 - 1/10.000 trẻ, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em, có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì.
Biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài vấn đề chiều cao của bé sẽ không tăng hoặc tăng rất chậm. Kết quả cuối cùng là trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn nhiều so với độ tuổi.
Trong trường hợp chiều cao của trẻ không tăng hoặc tăng rất chậm, phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng. Nếu xác nhận bé không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng thì lúc này phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hoóc môn tăng trưởng.
Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong những năm gần đây đã thực hiện khám chuẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ. Qui trình thông thường là bé sẽ được chụp X-quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não.
Sau khi có kết quả chẩn đoán thì thì phụ huynh sẽ được tham vấn về cách thức điều trị và theo dõi cụ thể.
Nếu trong trường hợp trẻ không phát triển chiều cao do thiếu hoóc môn tăng trưởng thì sẽ được điều trị bằng hoóc môn. Việc điều trị bằng hoóc môn tăng trưởng nhằm mục đích giúp trẻ đạt được chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt. Thực tế các trường hợp điều trị bằng hoóc môn tăng trưởng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy, các bé sẽ tăng được từ 6 - 12 cm/năm và khoảng 80% bé tăng được 1cm/tháng trong năm đầu tiên.
Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì, tốt nhất là tuổi từ 4-13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hoóc môn tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.
Thiếu hoóc môn tăng trưởng đơn thuần không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.