Có nên cho trẻ nhỏ ăn trứng gà, ăn bao nhiêu là đủ?

09/06/2019 04:33 GMT+7

Trứng gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều cách chế biến. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi, đặc biệt với trẻ em, lại cần một phương pháp chế biến và lượng ăn khác nhau để không làm tổn hại sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), ăn trứng gà rất tốt nhưng không nên ăn nhiều, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Cần lưu ý cho trẻ ăn trứng tùy theo độ tuổi và phương pháp chế biến khác nhau.

Trẻ từ 0 - 1 tuổi chỉ nên ăn lòng đỏ

Thông thường, trẻ khoảng 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn dặm. Lần đầu tiên trẻ ăn lòng đỏ trứng gà, phụ huynh nên nghiền lòng đỏ hoặc trộn vào cháo, cơm nát cho trẻ ăn. Lượng lòng đỏ cho trẻ ăn có thể là 1/4 - 1/2, sau đó mới tăng lên là cả lòng đỏ trứng gà.
Đặc biệt, “mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn lòng trắng trứng gà vì dạ dày của trẻ nhỏ còn yếu. Chỉ lòng đỏ trứng gà là đủ đáp ứng chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ hấp thu thêm protein từ lòng trắng là quá nhiều, không có lợi cho hệ tiêu hóa, thậm chí gia tăng nguy cơ dị ứng đối với trẻ”, bác sĩ Vũ lưu ý.

Trẻ từ 1 - 2 tuổi có thể ăn lòng trắng

Sau 1 tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ ngày càng hoàn thiện, trẻ có thể ăn thêm lòng trắng trứng gà.
Khi trẻ ăn lòng trắng trứng gà, mẹ hãy quan sát hệ tiêu hóa của trẻ có phản ứng bất thường không. Cách cho trẻ ăn lòng trắng trứng gà cũng tương tự như cách ăn lòng đỏ là 1/4-1/2, sau đó là cả lòng trắng trứng gà.
Khi trẻ có thể ăn hoàn chỉnh một quả trứng, mẹ nên thay đổi khẩu vị cho trẻ bằng cách chế biến món súp trứng gà kết hợp với thịt vụn và rau nghiền.

Trẻ trên 2 tuổi có thể ăn trứng chiên

Khi được 2 tuổi, bữa ăn của trẻ đã có thể tương tự như bữa ăn của người trưởng thành. Ở tuổi, mẹ có thể chế biến món trứng chiên cho trẻ thưởng thức. Tuy nhiên, cần hạn chế dầu mỡ khi chiên trứng bởi quá nhiều dầu mỡ sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và khiến trẻ bị đau bụng.

Lưu ý khi cho trẻ ăn trứng

Trẻ nhỏ không nên ăn nhiều trứng: Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn yếu, khả năng hấp thu kém. Trẻ dưới 1 tuổi, chỉ nên ăn ăn lòng đỏ trứng gà khoảng 2 - 3 lần/tuần. Trẻ trên 1 tuổi, ăn 2 - 3 quả trứng/tuần. Trẻ trên 2 tuổi, mỗi ngày có thể ăn 1 quả trứng là đủ.
Không cho trẻ nhỏ ăn trứng chưa chín: Do lòng đỏ trứng gà không được nấu chín, trứng lại thường được để trong tủ lạnh nên dễ sản sinh lượng lớn vi khuẩn, trong đó phổ biến nhất là khuẩn salmonella. Trứng bị nhiễm khuẩn không màu, không mùi. Do đó chúng ta không thể phân biệt được bằng mắt thường.
Trẻ khi bị nhiễm vi khuẩn này, thông thường từ 8 - 72 giờ sẽ xuất hiện triệu chứng như tiêu chảy, sốt và toàn thân yếu ớt, không có lực. Khả năng miễn dịch của trẻ thấp nên khi nhiễm loại vi khuẩn này dễ dẫn đến tử vong.
Hạn chế ăn trứng chiên: phương pháp chế biến trứng chiên ở nhiệt độ cao sẽ khiến chất dinh dưỡng mất đi, không có lợi cho sự hấp thu của cơ thể trẻ nhỏ. Mặt khác, quá nhiều dầu mỡ từ món trứng chiên cũng sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ.
Trẻ dị ứng trứng gà không nên ăn trứng: Nguồn đạm ở lòng trắng trứng gà là albumin dễ gây trường hợp dị ứng. Trẻ ăn trứng nếu có biểu hiện như nổi mẩn đỏ, chân tay sưng phù, nôn ói, đau bụng, sốt, hô hấp khó khăn... thì cần được đưa đến bệnh viện.
Trẻ từng có biểu hiện dị ứng khi ăn trứng gà, nghĩa là cũng không thể ăn trứng cút, trứng vịt.
Trứng gà đun quá lâu hay chế biến quá kỹ cũng tạo ra các chất khó tiêu hóa, trẻ khó hấp thu. Tốt nhất là ăn trứng khi vừa chín tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.