Ngày 9.2, bác sĩ (BS) CK2 Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết trong tháng qua, đặc biệt là thời điểm thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng rất cao.
Theo BS Hải, trong tháng 1.2023, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân đột quỵ, trong đó số bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ rất cao. Số lượng bệnh nhân hôn mê, thở máy, can thiệp tích cực… chiếm tỷ lệ đến 40%. Số bệnh nhân nặng, không qua khỏi cũng rất nhiều.
"So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng nhiều hơn do năm trước dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến bệnh nhân ngại đi đến bệnh viện. Bệnh nhân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… do bị hạn chế đi lại bởi việc cách ly nên ít đến bệnh viện hơn", BS Hải nói.
BS Hải cũng thông tin, năm ngoái số bệnh nhân đột quỵ khoảng 300 bệnh nhân, nhưng năm nay, vào những tháng lạnh số bệnh nhân tăng cao. Trung bình mỗi ngày, số lượng bệnh nhân vào viện khoảng 15 người.
Bệnh nhân đột quỵ đa số là người già. Tuy nhiên, số người trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ cũng chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 20%. Đa phần người trẻ bị đột quỵ có bệnh nền, như tăng huyết áp, tim bẩm sinh hoặc bệnh rối loạn về nội tiết... Ngoài ra, có những bệnh nhân bị các dị dạng mạch máu não bẩm sinh.
"Thời tiết thay đổi cũng là một điều kiện làm tăng số lượng bệnh nhân đột quỵ. Khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh có thể gây ra tình trạng thay đổi nhiệt độ cơ thể, co mạch… Những người có bệnh lý nền, huyết áp cao dễ gặp những cơn tăng huyết áp đột ngột. Đây là những yếu tố chính gây ra đột quỵ", BS Hải nói.
Phòng ngừa đột quỵ thế nào?
BS.CK 2 Dương Quang Hải phân tích, đột quỵ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các bệnh nền, yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu hoặc những bệnh lý tim mạch đi kèm...
Để phòng ngừa đột quỵ, những người có bệnh nền như đã nêu cần điều trị tích cực, kiểm soát huyết áp thật tốt, kiểm soát đường máu, hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu, hạn chế mỡ máu…
Ngoài ra, cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu, tăng cường đề kháng của cơ thể.
BS Hải cho rằng, đối với những người trẻ có bệnh lý cần kiểm soát tốt. Những bệnh nhân bị dị dạng, phình mạch máu não thường có những cơn đau đầu thì cần đi khám để tầm soát, phòng ngừa các cơn đột quỵ, đặc biệt là những cơn đột quỵ nặng có khả năng tử vong cao.
Một số biểu hiện đột quỵ có thể nhận biết sớm, theo BS Hải gồm có: Đột ngột bị tê chân, đột ngột méo miệng, nói khó hoặc hôn mê, co giật, rối loạn về vị giác…
"Những biểu hiện khác như chóng mặt, choáng váng… cũng có thể là trường hợp đột quỵ, nhưng thường chiếm tỷ lệ rất thấp. Người dân cần đi khám chuyên khoa để xác định rõ đó là cơn chóng mặt lành tính, thoáng qua hay là trường hợp đột quỵ hoặc rối loạn tiền đình khác", BS Hải nói thêm.
Bình luận (0)