Tình trạng quá tải tại các bệnh viện công ở Thái Lan không chỉ khiến bệnh nhân chờ đợi mệt mỏi, chất lượng khám chữa bệnh suy giảm mà còn tác động lớn đến tình trạng sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ. Quá tải là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến nhiều vụ tử vong do gắng gượng làm việc khi mắc bệnh hoặc gặp tai nạn giao thông do mất tập trung trên đường về nhà sau giờ làm.
Theo tỷ lệ tiêu chuẩn, cần 1 bác sĩ cho 1.500 người dân nhưng tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở nhiều nơi tại Thái Lan khiến tỷ lệ này thấp đến mức chỉ còn 1 bác sĩ/7.000 dân. Trong khi đó, giới chuyên môn cảnh báo tình trạng quá tải ngày càng tồi tệ vì nhiều bác sĩ nhảy việc sang các bệnh viện tư - nơi họ làm việc ít hơn nhưng thu nhập cao hơn.
Làm việc 120 giờ/tuần
Trước tình trạng quá tải trong ngành y, ủy viên Hội đồng y khoa Thái Lan (MCT) Cherdchu Ariyasriwattana mới đây đề xuất chính phủ soạn thảo luật và lập quỹ bồi thường cho đội ngũ nhân viên y tế trong trường hợp bị thương, tàn tật hoặc thiệt mạng do các yếu tố liên quan đến công việc. Theo tờ Bangkok Post, ông Cherdchu cũng kêu gọi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của các y bác sĩ vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân.
tin liên quan
Nhật Bản nỗ lực ứng phó nạn karoshiChính phủ Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức ở giới trẻ.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi bác sĩ Thapakorn Thongkua tại một bệnh viện ở tỉnh Buri Ram tử vong ngay trong phòng khám do biến chứng sốt xuất huyết. Vị bác sĩ 30 tuổi đã cố gắng làm việc khi bị bệnh khiến ông xuống sức và không qua khỏi. Cái chết của bác sĩ Thapakorn đã dẫn đến làn sóng chỉ trích tình trạng quá tải do thiếu hụt nhân viên y tế ở các bệnh viện công của Thái Lan. Theo MCT, nhiều nhân viên y tế làm đến 120 giờ mỗi tuần và phần lớn y tá phải trực ca lên đến 24 giờ/ngày.
Theo bà Orapan Methadilokkul, Chủ tịch Trung tâm y khoa nghề nghiệp và môi trường Thái Lan, ít nhất 3 bác sĩ khác cũng tử vong trong thời gian gần đây vì các lý do như kiệt sức, nhiễm khuẩn đường hô hấp và môi trường lao động không đảm bảo. Truyền thông cũng đưa tin nhiều bác sĩ thiệt mạng do tai nạn trên đường từ bệnh viện về nhà với nhiều khả năng là ảnh hưởng từ công việc quá tải.
Thất thoát nhân tài
Bangkok Post dẫn số liệu của MCT cho hay Thái Lan có trên 50.000 bác sĩ và gần phân nửa tập trung tại thủ đô Bangkok, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng tại các tỉnh thành khác. Chưa hết, nhiều người đang chuyển sang bệnh viện, phòng khám tư để tránh phải “liều mạng” khi làm việc tại bệnh viện công.
Theo quy định thì bác sĩ mới ra trường phải làm trong bệnh viện công ít nhất 3 năm hoặc trả lại học phí được nhà nước tài trợ nhưng nhiều người sẵn sàng chọn con đường thứ hai. Nhiều bệnh viện tư ở Thái trả lương bác sĩ từ 5.800 USD/tháng (132 triệu đồng) so với lương 1.800 USD ở bệnh viện công. Một nữ bác sĩ giấu tên đang làm tại một trong những bệnh viện công lớn nhất ở Bangkok cho biết cô sắp chuyển sang bệnh viện tư và chấp nhận trả lại toàn bộ chi phí nhà nước đào tạo. “Đôi khi tôi làm việc đến 60 giờ mỗi tuần và ít có thời gian nghỉ cuối tuần với gia đình. Tôi còn không được nhận lương đúng ngày”, cô kể về công việc đầy áp lực.
Theo bác sĩ Witawat Siripracha, cựu Giám đốc Bệnh viện Lanta ở tỉnh Krabi, chính bộ phận lãnh đạo và quản lý góp phần đẩy bác sĩ trẻ khỏi các bệnh viện công. “Một số người thậm chí nói thẳng họ không quan tâm vì bác sĩ trẻ sớm muộn cũng chuyển đi nơi khác. Thay vì hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ gắn bó với cộng đồng thì chúng ta lại đẩy họ sang khu vực tư nhân”, ông chỉ trích. Ông cho biết bản thân mình cũng như các nhân viên y tế khác đều không có sức khỏe tốt vì lao lực và ông từng phải trực 2 ca liên tục trong 26 ngày mỗi tháng khi mới ra trường.
Theo kênh Channel News Asia, nhằm giải quyết tình trạng quá tải, chính phủ Thái Lan triển khai chương trình bác sĩ gia đình từ cuối năm ngoái song song với đào tạo thêm nhiều nhân viên y tế. Chương trình này tổ chức những nhóm bác sĩ gia đình gồm 1 bác sĩ đa khoa, 4 y tá, 1 dược sĩ, 1 nha sĩ, 1 bác sĩ đông y và 1 nhân viên Bộ Y tế. Mỗi nhóm sẽ phụ trách một khu vực nhất định và thường xuyên phối hợp khám bệnh hoặc đến tận nhà thăm khám nếu cần. Bác sĩ Boonchai Theerakarn thuộc Bộ Y tế cho biết mô hình này giống như dịch vụ “một cửa” dành cho bệnh nhân để có thể chẩn đoán và điều trị sớm cũng như tăng hiệu quả theo dõi sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định mô hình này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi và hiệu quả. Bác sĩ Witawat Siripracha cho rằng chính phủ nên tận dụng tiềm năng của lĩnh vực tư nhân và hỗ trợ chi phí cho người dân. “Bác sĩ không cần ở bệnh viện công. Nếu họ muốn giúp bệnh nhân, cứ làm ở bệnh viện tư vì ở đó có thiết bị và nguồn lực tốt hơn”, ông nói.
|
Bình luận (0)