Giảm đau đớn cho bệnh nhân ung thư lưỡi
Đó là nhóm tác giả gồm tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi; bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Anh Tuấn; bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Cẩn; bác sĩ chuyên khoa I Lê Hùng Khương, thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Đề tài 'Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư' của nhóm các bác sĩ trên vừa được trao giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 3 - 2023. Lễ trao giải tổ chức tối qua 8.9 tại Nhà hát Thành phố.
Đại diện nhóm tác giả cho biết phẫu thuật tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên có chuyên môn sâu và phục hồi chức năng sau phẫu. Phẫu thuật thành công giúp ích nhiều cho bệnh nhân về phục hồi chức năng nói, chức năng nuốt, giảm đau, quan trọng là giúp kéo dài thời gian sống còn cho bệnh nhân giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV).
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã thực hiện phẫu thuật này nhiều năm từ việc sử dụng vạt tại vùng và gần đây triển khai mạnh việc tạo hình gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi bằng vạt tự do. Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi với các trường hợp: Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi hốc miệng, giải phẫu bệnh là carcinôm tế bào gai, xếp hạng lâm sàng bướu là T3 - T4, M0 (giai đoạn III và IV), khuyết hổng chiếm trên 50% thể tích lưỡi di động, tuổi nhỏ hơn hoặc bằng 80, KPS 80 - 100, bệnh nhân không có tiền căn điều trị bệnh ung thư. (Chỉ số KPS là một công cụ đánh giá chức năng của bệnh nhân trong điều trị ung thư. Chỉ số này đo lường khả năng tự quản lý và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh – người viết).
Phẫu thuật đánh giá một bước tiến mới trong điều trị ung thư lưỡi tại nước ta. Mang lại hy vọng sống cho người bệnh ung thư lưỡi giai đoạn trễ, phục hồi chức năng nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
Tại buổi lễ công bố và trao giải thưởng tối qua, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, đại diện nhóm tác giả được trao giải cho biết điều thôi thúc để nhóm bác sĩ nghiên cứu, thực hiện đề tài trên đó là việc hàng ngày chứng kiến những người bệnh ung thư lưỡi rất đau đớn, khó khăn trong nuốt, nói chuyện. Nhóm mong muốn giải pháp này giảm bớt nỗi đau cho người bệnh.
Cũng theo nhóm tác giả, với đề tài trên, các vạt tạo hình có tỷ lệ sống đáng tin cậy 96,7%. Tỷ lệ biến chứng hoại tử vạt toàn bộ chiếm 3,3%, hoại tử một phần vạt là 3,3%. Đây là phẫu thuật tái tạo rất phức tạp, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kết hợp giữa phẫu thuật cắt bỏ và phẫu thuật tái tạo. Quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật rất quan trọng. Hiện nay, hầu như không có công trình nào tại Việt Nam đủ cỡ mẫu để đánh giá hiệu quả của phẫu thuật tái tạo gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi.
Đề tài "Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư" của nhóm các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chứng minh nhiều hiệu quả, như đề tài đã cập nhật phác đồ điều trị ung thư lưỡi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng như các bệnh viện có điều trị ung thư lưỡi trên cả nước. Được phổ biến trên các tạp chí và báo cáo tại các hội nghị khoa học, tiến đến đưa ra cập nhật phác đồ điều trị tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi và đề tài được cập nhật vào các tài liệu giảng dạy.
Những giải thưởng sáng tạo vì sự phát triển TP.HCM
Tối qua, 58 giải pháp, đề tài, tác phẩm được trao Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 3 - năm 2023 thuộc 7 lĩnh vực: phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh; quản lý nhà nước; truyền thông; văn học nghệ thuật; khoa học kỹ thuật; khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 3 giải nhất, 15 giải nhì, 40 giải ba.
Những giải thưởng sáng tạo được trao đều có những giá trị to lớn trong xây dựng, bảo vệ, phát triển TP.HCM. Như giải pháp "Đảm bảo quốc phòng và an ninh cho phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM trong thời kỳ mới" của nhóm tác giả Bộ Tư lệnh Thành phố và Công an Thành phố được trao giải nhất.
Giải pháp sử dụng drone (máy bay không người lái) trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn TP.Thủ Đức của Ban Chỉ huy Công an TP.Thủ Đức giành giải nhì.
Bên cạnh đó còn nhiều sáng tạo, giải pháp khác được trao giải như "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM" của nhóm tác giả Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế TP.HCM.
Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TP năm 2022 của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Giải pháp"Áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) kết hợp hệ thống phân cực ánh sáng và hình ảnh mô bệnh học trong chẩn đoán ung thư vú" của Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM...
Bình luận (0)