Ngày 1.6, đoàn bác sĩ Viện Tim, Bệnh viện Nhi đồng 2, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM phối hợp với các đoàn thể TP.Cần Thơ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thới Sơn, H.Cờ Đỏ và xã Thạnh Thắng, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ.
Trong đợt khám này, đoàn bác sĩ đến từ TP.HCM khám và phát thuốc cho 900 người lớn và trẻ em. Với người lớn, ngoài được bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám thì người dân được đo điện tim, chụp X-quang, siêu âm; trẻ em thì còn được siêu âm tổng quát. Ngoài ra, các đơn vị còn tặng ba lô, tập sách cho trẻ em và nhu yếu phẩm cho người nghèo.
Đến điểm khám từ rất sớm, cụ bà Lê Thị Đầm (86 tuổi, xã Thới Sơn) đến bàn khám của bác sĩ Lê Phát Tài, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Viện Tim. Bà kể mình đã đặt 1 cái stent mạch vành vào năm 2022 tại TP.Cần Thơ. Hằng tháng, bà phải đi tái khám và uống thuốc. Gần đây bà thấy nhói nhói ở ngực.
Bác sĩ Tài hỏi cụ bà còn bị bệnh gì nữa không? Bà nói mình còn bị đau nhức tay chân, đau bao tử, khó ngủ... Bác sĩ Tài khuyên cụ bà tiếp tục uống thuốc trị bệnh về tim mạch đều, đồng thời kê cho bà thuốc bổ, trị đau xương khớp.
Còn bà Đinh Thị Bé Hai (57 tuổi, xã Thới Sơn) cũng than với bác sĩ rằng đêm nào khó ngủ, đau nhức 2 bên thái dương, đau vai gáy. Dù bị đã lâu nhưng bà chưa đi khám vì khó khăn. Bác sĩ kê cho bà 2 loại thuốc uống trong 5 ngày và khuyên bà đi khám ở bệnh viện gần nhà để được theo dõi sức khỏe liên tục.
"Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… là những bệnh mà chúng tôi gặp nhiều trong đợt khám bệnh từ thiện lần này. Trong đó, bệnh tăng huyết áp gặp nhiều nhất. Chúng tôi khuyên bệnh nhân quản lý tốt huyết áp vì thiết bị theo dõi huyết áp phổ biến, có nhiều loại thuốc và giá rẻ. Còn bệnh mạch vành thì có người đã đặt stent và có người có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành. Do đó chúng tôi khuyên bệnh nhân theo dõi kỹ và cần đi khám tuyến trên, vì bệnh này khó phát hiện", vị bác sĩ Viện Tim thông tin.
Bác sĩ Tài giải thích, bệnh mạch vành là thuật ngữ chung gồm các loại bệnh sau: hội chứng mạch vành mạn tính (thường bệnh nhân có triệu chứng đau thắt ngực khi gắng sức); nặng hơn là hội chứng động mạch vành cấp tính (biểu hiện với 2 thể bệnh là cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên thấy qua điện tim); nặng nhất là nhồi máu cơ cấp ST chênh lên, dạng này nguy hiểm nhất cần đến bệnh viện sớm nhất để được tái thông động mạch vành.
Bác sĩ Tài khuyến cáo những dấu hiệu bệnh mạch vành cần đến các trung tâm y tế, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa tim mạch khám để phát hiện sớm, gồm: đau ngực khi gắng sức, có thể kèm theo khó thở ở người có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường…
Tinh thần xung kích của tuổi trẻ TP.Cần Thơ
Anh Trần Việt Tuấn, Phó bí thư Thành đoàn TP.Cần Thơ cho biết, H.Cờ Đỏ và H.Vĩnh Thạnh là 2 huyện vùng ven của TP.Cần Thơ. Thành đoàn TP.Cần Thơ phối hợp thực hiện chương trình khám bệnh và tặng quà cho người dân lần này nằm trong ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện, hưởng ứng chiến dịch thanh niên tình nguyện 2024. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe người dân, trẻ em của lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng như các ban ngành, đoàn thể.
Cũng theo anh Trần Việt Tuấn, chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người dân, thiếu nhi khó khăn được TP.Cần Thơ tổ chức thường xuyên trong năm và rải đều ở các địa phương, thể hiện tính xung kích của tuổi trẻ.
Đặc biệt, qua các đợt khám bệnh, khi phát hiện người dân, đặc biệt là trẻ em mắc bệnh nặng thì Thành đoàn kết nối nhà hảo tâm, Hội Thầy thuốc trẻ TP.Cần Thơ hỗ trợ đưa đi khám ở bệnh viện tuyến trên, tuyến chuyên sâu.
Bình luận (0)