'Bạch vệ', một phần lịch sử thảm khốc của cuộc chiến huynh đệ tương tàn Nga - Ukraine

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
26/12/2022 14:54 GMT+7

Sự kiện, thời gian, bối cảnh của tiểu thuyết Bạch vệ diễn ra trong vài ngày giữa tháng 12.1918 ở Ukraine, kể về một gia đình trí thức trung lưu Nga - anh em nhà Turbin và những người bạn - trong cuộc nội chiến Nga - Ukraine hậu Cách mạng.

Bạch vệ (Белая армия) là cuốn tiểu thuyết lớn đầu tiên của nhà văn Mikhail Bulgakov, một cuốn tiểu thuyết rất gần với lịch sử và có số phận khá lận đận.

Bulgakov bắt đầu cuộc sống trưởng thành của mình với tư cách là một bác sĩ, sau đó ông từ bỏ nghề y để cầm bút viết văn. Ông viết Bạch vệ khoảng năm 1923-1924, chính thức giới thiệu trên tờ Россия (Nước Nga) số 4 và 5 năm 1925, báo đình bản năm 1926 nên việc công bố tác phẩm dừng lại ở chương thứ 13.

Bìa sách Bạch vệ, Trần Thị Phương Phương dịch, Phoenix Books và NXB Đà Nẵng ấn hành

nguyễn quang diệu

Dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết, Bulgakov viết một vở kịch có nhan đề Дни Турбиных (Những ngày tháng của gia đình Turbin), vở kịch được công diễn lần đầu tại Nhà hát Nghệ thuật Moscow vào năm 1926 và rất được Stalin yêu thích. Năm 1927, toàn văn tiểu thuyết được công bố ở Pháp, bằng tiếng Nga, nhan đề lấy lại theo tên của vở kịch trước đó. Mãi đến năm 1966, Bạch vệ mới chính thức được xuất bản ở Liên Xô (cũ).

Giai đoạn khốc liệt trong lịch sử nội chiến Nga - Ukraine

Bạch vệ, hay Bạch vệ quân, là các lực lượng chính trị quân sự (tập hợp những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, quân chủ…) hình thành trong thời nội chiến ở Nga giai đoạn 1917-1922. Họ có chung mục đích tiêu diệt lực lượng Hồng quân và chống chính quyền Xô Viết của những người Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười.

Năm 1918, ở Ukraine lần lượt tồn tại hai thế lực, một bên là Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ukraine (tháng 1 đến 4.1918) có quan điểm muốn độc lập cho Ukraine và có xu hướng Xã hội Chủ nghĩa; một bên là Chính quyền Hetmanate (tức Nhà nước) - thể chế chính trị của người Cossack - có xu hướng chống Xã hội Chủ nghĩa, đứng đầu là Pavlo Skoropadsky. Skoropadsky dựa dẫm vào người Đức thực hiện cuộc đảo chính dẫn tới sự thành lập Nhà nước (Hetmanate) Ukraine (29.4 đến 24.12.1918), Skoropadsky trở thành Hetman (tước hiệu dành cho người đứng đầu nhà nước) của Ukraine và biến Ukraine thành quốc gia tự trị nằm dưới sự bảo hộ của Đức.

Cuối năm 1918, quân Đức rút khỏi Kiev, Hetman Skoropadsky cũng dần đánh mất quyền lực. Cùng với sự nổi lên của Symon Petliura, Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ukraine được khôi phục, quyền lực bấy giờ tập trung vào Ủy ban cách mạng lâm thời của chính quyền có tên gọi Directoria, đứng đầu Directoria lần lượt là Volodymyr Vynnichenko (tháng 12.1918 đến 2.1919) và Symon Petliura (tháng 2.1919 đến 11.1920). Đây là giai đoạn khốc liệt trong lịch sử nội chiến Nga - Ukraine.

Sự kiện, thời gian và bối cảnh của tiểu thuyết Bạch vệ diễn ra trong vài ngày vào giữa tháng 12.1918 ở Ukraine, kể về một gia đình trí thức trung lưu Nga - anh em nhà Turbin và những người bạn - trong cuộc nội chiến Nga - Ukraine hậu Cách mạng. Không gian của tiểu thuyết là Thành phố (với chữ T viết hoa) mà độc giả sẽ dễ dàng nhận ra là Kiev (tức Kyiv phát âm theo tiếng Ukraine) - “Mẹ của các thành phố trên nước Nga”. Và Kiev vào năm 1918 cũng trở thành trung tâm của phong trào chống Bolshevik trên toàn đế chế Nga.

Tàu hỏa thiết giáp của Hồng quân

Viktor Bulla

Anh em nhà Turbin, với nhân vật chính là người anh cả Alexei Turbin, cùng bạn bè của họ, chọn đứng về phía Chính quyền Hetmanate, tham gia đội quân tình nguyện, tức lực lượng quân sự Bạch vệ ở miền Nam nước Nga, dưới trướng tướng Anton Denikin, nhằm bảo vệ Thành phố chống lại cuộc tấn công của lực lượng dân tộc chủ nghĩa của Petliura và đội quân nông dân. Petliura mong muốn chiếm được Ukraine, và để chiếm được Ukraine thì ông ta phải chiếm Thành phố. Nhiệm vụ của Bạch vệ quân lúc bấy giờ là “bảo vệ Thành phố và Hetman khỏi băng đảng của Petliura, và có khả năng là phe Bolshevik nữa”.

Thành phố, nơi người ta sống một cuộc sống co cụm một cách kỳ lạ vào mùa đông năm 1918, những câu chuyện về gia đình, tình yêu, tôn giáo, lòng tốt, sự phản bội, tình hình chính trị mà các nhân vật phải đối mặt, cuộc hỗn chiến… đều được Bulgakov chạm khẽ một cách tinh tế. Bulgakov không bỏ sót ai, ông khéo léo đan xen câu chuyện giữa các nhân vật, họ là những sĩ quan, người Do Thái, trí thức, tư tế, quân nhân, những người tị nạn đến từ Moscow và Petersburg: doanh nhân, chủ nhà băng, nhà công nghiệp, thương nhân, chủ nhà trọ, luật sư, nhà hoạt động xã hội, những nhà báo bất lương, tham lam và hèn nhát, nghệ sĩ, diễn viên, gái điếm, công tước, kẻ ăn hối lộ, những cô gái dịu dàng và những cô gái phóng đãng, những anh chàng đồng tính trẻ tuổi,… từ người vĩ đại, người tốt, kẻ điên cho đến kẻ xấu đều được ông khắc họa một cách khéo léo trong những cuộc trò chuyện tình cờ trong Thành phố.

Quân tình nguyện lực lượng mỏng, đa thành phần, lại bị người Đức và Hetman phản bội nên Thành phố chính thức thất thủ ngày 14.12.1918. Đội quân của Petliura chiếm Thành phố được 47 ngày rồi phải rút lui dưới áp lực của Hồng quân (đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3.2.1919). Tiểu thuyết kết thúc với thất bại của Bạch vệ quân lẫn hình ảnh về một sự tan rã, sự tan rã đột ngột của toàn bộ lối sống và sự sụp đổ của xã hội. Và, “năm 1918 là năm vĩ đại và khủng khiếp, nhưng năm 1919 còn khủng khiếp hơn”, Bulgakov mở đầu như thế trong chương 20, cũng là chương kết thúc.

Bạch vệ (Белая армия) là cuốn tiểu thuyết lớn đầu tiên của nhà văn Mikhail Bulgakov, một cuốn tiểu thuyết rất gần với lịch sử và có số phận khá lận đận

nguyễn quang diệu

Trong Bạch vệ, một phần lịch sử thảm khốc của cuộc nội chiến Nga - Ukraine được phản chiếu qua cuộc sống, sinh hoạt, suy nghĩ và lựa chọn của gia đình Bạch vệ quân Turbin. Bulgakov đã tái hiện thành công cuộc chiến tranh và xung đột, cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên đất Ukraine vào năm 1918 thông qua những cuộc tàn sát và sự hỗn loạn, giữa bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu vàng xanh, gia đình và thành phố… Ở đó, từng đoàn quân “chạy vào Thành phố, chạy qua Thành phố và mãi mãi biến mất”. Tất cả rồi cũng biến mất như chưa từng có bao giờ, chỉ còn lại cảnh tan hoang, cái xác đang lạnh dần của một người Do Thái vì cái tội muôn đời là người Do Thái, “những đám rơm bị giẫm nát và phân ngựa”...

Ngoài đời thật, Bulgakov từng tham gia Bạch vệ quân để bảo vệ Kiev chống quân Petliura. Alexei Turbin trong tiểu thuyết Bạch vệ có thể nói là một hóa thân của chính nhà văn. Cuốn tiểu thuyết được viết từ trải nghiệm của Bulgakov vì thế mang đậm chất tự truyện, đồng thời cho thấy quan điểm chính trị và tư tưởng “bơi ngược dòng” đơn độc của Bulgakov lúc bấy giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.