Phòng tuyến vững vàng trước đại dịch
Quảng Ninh bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 với nhiều sự căng thẳng khi là tỉnh có đường biên giới dài gần 200km với Trung Quốc. Trong khi đó, lượng cư dân qua lại giữa 2 nước rất lớn lên đến hàng vạn người mỗi ngày. Tuy vậy, bằng sự điều hành linh hoạt, Quảng Ninh đã xây dựng kịch bản chi tiết, kỹ lưỡng phòng, chống dịch cho từng thời điểm, địa bàn ở mức cao hơn, sớm hơn so với chỉ đạo của trung ương.
Qua đó, đã không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo sức khỏe nhân dân, giữ vững địa bàn “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn”, ổn định, phát triển kinh tế, sớm lấy lại đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự.
Trên toàn tuyến biên giới, lực lượng biên phòng với vai trò là tuyến đầu đã nhanh chóng triển khai 90 chốt kiểm soát, với gần 500 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Tính từ tháng 2 đến nay, toàn lực lượng đã bắt giữ tổng số 816 vụ/2.537 đối tượng/427 phương tiện.
Trong toàn tuyến nội địa, ngành y tế Quảng Ninh triển khai 3 bệnh viện dã chiến với quy mô hơn 1.000 giường bệnh và đầu tư ngay 400 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị phòng sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra.
“Điều gì phải đến cũng đến” - cuối cùng Quảng Ninh cũng xuất hiện ca bệnh đầu tiên mắc Covid-19 là bệnh nhân số 52, nữ du học sinh trở về từ Anh.
Giữa lúc rất nhiều người dân lo lắng, lực lượng y tế địa phương rất bình tĩnh, nhanh chóng truy vết và đưa các trường hợp F1, F2 đi cách ly để ngăn dịch lây lan. Bằng ý thức phòng dịch của người bệnh, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, đến nay bệnh nhân số 52 là trường hợp duy nhất phát hiện trong cộng đồng và được ngăn chặn kịp thời không để dịch lây lan.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, địa phương này với đặc thù có đường biên giới dài với Trung Quốc lại có cảng hàng không quốc tế, cùng một thị trường kinh tế năng động nên sớm hay muộn sẽ có ca bệnh mắc Covid-19.
“Bằng sự chuẩn bị kỹ càng, chúng tôi nhanh chóng khoanh vùng, xử lý các ca mắc Covid-19 khi được phát hiện. Số người được phát hiện gần như đã ở trong nhà, hay khu cách ly nên dịch không lây lan ra cộng đồng”, ông Diện nói.
Xuyên suốt 1 năm qua, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thậm chí có những giải pháp mạnh tay đi trước cả trung ương, Quảng Ninh vẫn vững vàng trước đại dịch.
|
Sáng tạo trong điều hành
Quảng Ninh là địa phương nằm trong cực tăng trưởng phía Bắc, với ngành dịch vụ du lịch sôi động. Ấy vậy mà do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 chỉ trong phút chốc mọi thứ đã thay đổi. Từ tháng 2 đến tháng 5, các khu du lịch vắng hoe, khách sạn, nhà nghỉ tạm dừng hoạt động. Toàn bộ ngành du lịch suốt thời gian dài tăng trưởng âm.
Khó khăn là vậy, nhưng Quảng Ninh không đầu hàng trước đại dịch. Bằng sự điều hành linh hoạt, sáng tạo tỉnh này đã sớm có thay đổi để thích ứng với tình hình để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký cho rằng, trong bối cảnh du lịch, dịch vụ bị tác động, ảnh hưởng rất sâu rộng của dịch Covid-19, việc duy trì ổn định, phát triển ngành than trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách và an sinh xã hội của tỉnh trong năm 2020. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ an toàn khỏi dịch bệnh cho hơn 80.000 công nhân ngành than cùng gia đình có vai trò rất quan trọng trong quá trình chống “giặc” Covid-19 của tỉnh.
“Chúng tôi coi đại dịch Covid-19 là cơ hội, phép thử để Quảng Ninh đối diện và vượt qua nó, cũng như thích ứng trong mọi tình hình dù là khó khăn nhất. Thực tế cho thấy Quảng Ninh đang là điểm đến an toàn và có đà tăng trưởng KT-XH về mọi mặt”, ông Ký nói.
Không chỉ ngành than, các ngành công nghiệp điện, sản xuất xi măng, dệt may, chế biến thực phẩm,... cũng được tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện để tăng tối đa sản lượng, nâng cao chất lượng và mở rộng tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2020 đánh dấu bước tiến của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quảng Ninh khi nhiều dự án công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn trên thế giới và trong nước, như: Foxconn, Tonly Technology Limited, Thành Công… đưa vào hoạt động và xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Cuối tháng 11.2020, đại diện Tập đoàn Samsung cùng một số công ty điện tử nước ngoài cũng đã đi khảo sát thực tế và khẳng định Quảng Ninh sẽ là đích đến của những dự án tầm cỡ.
Ấn tượng về sự phát triển của tỉnh, trong chuyến về thăm và làm việc hồi tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Quảng Ninh về những kết quả đã đạt được và coi địa phương này là hình mẫu của việc chuyển đổi mô hình kinh tế thành công “từ đen sang xanh”.
Năm 2020, ngành khai khoáng Quảng Ninh tăng trưởng 9,3%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,2%, đẩy tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp lên 12,66%. Công nghiệp tăng không chỉ giúp kinh tế Quảng Ninh đứng vững trong dịch bệnh mà còn bù đắp sự sụt giảm của khu vực dịch vụ - du lịch, khi cả số lượng khách và doanh thu đều giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ. Kết quả, tăng trưởng GRDP năm 2020 của Quảng Ninh vẫn đạt mức 10,05%, nằm trong top các địa phương dẫn đầu cả nước, thu ngân sách vượt dự toán trung ương giao.
|
Bình luận (0)