Bài ca của những người hai mươi tuổi

Lá cờ buông kín cả mặt tiền Nhà hát Lớn, rồi mọi người cùng hát bài Tiến quân ca . Bài hát cũng được in thành truyền đơn và phát ngay trong cuộc mít tinh trước 2.9, người ta cầm truyền đơn hát theo.

Các biên niên sử về Cách mạng tháng Tám trước nay vẫn lấy ngày 19.8.1945 là thời điểm quyết định của cuộc Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội và khởi đầu cho cuộc giành chính quyền của Việt Minh trên toàn quốc. Tuy nhiên, để đi tới được mốc đầy thuận lợi đó, đã có một thời điểm rất quan trọng: ngày 17.8.1945, khi Việt Minh ra mắt công khai tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thời điểm này gắn với sự xuất hiện của những bài hát có sức mạnh huy động tập thể, cuốn hàng triệu người xông lên “giành lại áo cơm tự do” như lời ca khúc Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi) đã viết.

Lá cờ lớn được treo tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong ngày 19.8.1945 và người người cùng hát Tiến quân ca

Tư liệu

Tiếng gọi thanh niên - Hành khúc phổ biến cả ba miền

Chúng ta hãy lùi lại thời điểm giữa tháng 8.1945, khi Quốc dân đại hội diễn ra ở Tân Trào, ra quân lệnh số 1 kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Đồng thời ngày 15.8, Nhật hoàng ra tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Tuy vậy Tổng hội Công chức trong chính phủ Trần Trọng Kim theo kế hoạch vẫn quyết định tiến hành một cuộc mít tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn để cổ vũ chính quyền này vào ngày 17.8. Đây là một sự kiện có tính chất quyết định để đánh giá thực lực của chính quyền Việt Nam đế quốc (với đại diện là Phủ Khâm sai Bắc Bộ tại Hà Nội) lẫn triều đình Huế, cũng như động thái của quân Nhật đang đồn trú. Thành bộ Việt Minh đã nắm lấy cơ hội có một không hai này.

Cho đến giờ, bản ghi chép sớm nhất đề cập bối cảnh cuộc mít tinh này là của Như Phong, một nhà hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc, đăng trên báo Cứu Quốc số kỷ niệm một năm Cách mạng tháng Tám. Ông cho biết, buổi mít tinh do Tổng hội Công chức tổ chức diễn ra vào 6 giờ chiều, có lính bảo an đeo súng giữ trật tự: “Âm nhạc cử bài Tiếng gọi thanh niên… Bỗng từ trong đám đông, về phía đường bên trái, một lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ nhô lên bay phấp phới… Cờ Việt Minh! Sự náo động bấy giờ lên đến cực điểm. Trật tự của cuộc mít tinh vỡ bét. Một nhóm Tuyên truyền xung phong xấn lên, giơ súng dồn ban tổ chức vào một góc, chiếm lấy diễn đàn. Cờ “quẻ ly” bị hạ xuống, để thay bằng một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn rủ từ trên từng gác Nhà hát xuống” (Những ngày tháng Tám ở Hà Nội (1945), Cứu Quốc 19.8.1946).

Tiếng gọi thanh niên nguyên thủy giai điệu là bài hát của Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương, được Lưu Hữu Phước viết vào tháng 4.1941 tại Hà Nội, sau rất nhiều phiên bản lời ca, tên gọi, cũng như được nhiều đoàn thể sử dụng, lúc này là bài hành khúc phổ biến nhất ở cả ba miền.

Sau đó ba diễn giả của đội Tuyên truyền xung phong và Phụ nữ Cứu quốc lên nói trước micro và cuộc mít tinh đã chuyển hướng khi các khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh” được các đội viên đứng trong đám đông hô lớn. Đây là một chuỗi hành động thực sự mang tính cách mạng, đồng thời xác nhận sự bạc nhược của lực lượng Bảo an binh của chính quyền thân Nhật.

Người có mặt cùng Như Phong là Học Phi, thành viên chủ chốt của Hội Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943, cũng cho biết: “Những tiếng hô khẩu hiệu càng vang dậy. Tôi đi bên cạnh đồng chí Như Phong. Hai anh em hô khản đặc cả tiếng. Giá lúc này có một bài hành khúc cách mạng thật khỏe, thật hùng hồn để mọi người cùng hát thì hay biết mấy! (Mãi đến hôm khởi nghĩa 19.8, bài Tiến quân ca mới được phổ biến)” (Đốm lửa ban đầu, Nghiên cứu văn học 3.1963).

Bút tích của nhạc sĩ Văn Cao kể về việc viết Tiến quân ca

Sức kêu gọi ghê gớm của diệt phát xít

Một tác giả khác là Nguyễn Đình Thi đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào nên không có mặt ở Hà Nội, cũng được nghe nói bài hát Diệt phát xít của mình lần đầu tiên được hát trước muôn người trong cuộc chiếm diễn đàn mít tinh ngày 17.8. Văn Cao nhớ lại: “Lúc nghe quần chúng hát bài thứ hai là bài Diệt phát xít của anh Nguyễn Đình Thi: Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm! thì nước mắt tôi ứa ra”.

Ông Văn Cao cũng hồi tưởng: “Bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi có một sức kêu gọi ghê gớm. Bài Tiến quân ca là một bài hát tiến quân, có một xúc động riêng, nhưng theo tôi thì không kêu gọi bằng bài của Nguyễn Đình Thi. Lúc đó, tôi đứng ở bên cửa hàng kim khí bây giờ, nhìn sang quảng trường Nhà hát Lớn, nước mắt giàn giụa…”. Hiển nhiên là sự kiện cướp diễn đàn ngày 17.8 đã dọn đường cho quyết định giành chính quyền trong thời gian gấp rút, khi lá cờ đỏ sao vàng và những giai điệu cách mạng được vang lên như một nhu cầu gắn kết một tâm thức tập thể.

Hôm sau, 18.8, trong ngày họp cuối cùng của Quốc dân đại hội ở Tân Trào, các đại biểu đã chọn Tiến quân ca làm bài quốc ca của chính phủ lâm thời của Việt Minh.

Về bài hát Tiếng gọi thanh niên, tại Sài Gòn, nó đã được lấy tên là Quốc dân hành khúc với lời ca mới do Lưu Hữu Phước cùng hai người bạn Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ soạn, xuất bản tháng 8.1945, vang lên như một bài ca chính thức của cuộc giành chính quyền tại Nam bộ vào ngày 25.8.1945. Bài hát mang thông điệp “Nào dân Việt Nam! Tiến lên đến ngày giải phóng!” đã trở thành lời hiệu triệu cách mạng sôi sục trên đường phố Sài Gòn, trong khi Tiến quân ca chưa được biết đến.

Các chiến sĩ trên quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945

Tiến quân ca - Bài hát số 1 của cách mạng

Cuối cùng, bài Tiến quân ca “lần đầu được muôn miệng tự do hát lên” vào lúc cuộc mít tinh ngày 19.8 bắt đầu hồi 11 giờ, sau đó đại diện Thành bộ Việt Minh Nguyễn Khang đã đọc tuyên ngôn và chương trình Việt Minh, đánh dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã chính thức thành công ở Hà Nội, để rồi ngày 2.9.1945 đã trở thành bài hát số 1 của cách mạng.

Tác giả bài Tiến quân ca, Văn Cao khi đó bị ốm nặng nhưng đã cố gắng đến dự. Hồi ức của nhạc sĩ cho biết: “Người được giao nhiệm vụ treo cờ là anh Trần Lâm. Gặp anh Phạm Đức là người của tôi, anh Lâm bảo: “Hay quá, gặp quân ông Văn đây rồi!”. Anh Trần Lâm đành kéo anh Phạm Đức theo để bảo vệ, và anh Lâm với anh Đức cùng nhau treo cờ… Lá cờ buông kín cả mặt tiền Nhà hát Lớn. Rồi, anh Phạm Đức xuống, bắt nhịp cho mọi người hát bài Tiến quân ca. Hôm đó, bài Tiến quân ca được in thành truyền đơn và phát ngay trong cuộc mít tinh, người ta cầm truyền đơn hát theo”. (Đỗ Bạch Mai, Tiến quân ca ngày ấy: Phỏng vấn Văn Cao, Văn nghệ số 34, 25.8.1990).

Trong cao trào này, xuất xứ của mỗi bài ca có thể khác nhau, trong khi Tiếng gọi thanh niên thoát thai từ bài hát của sinh viên, Tiến quân ca là bài hát được viết cho khóa quân chính kháng Nhật vào cuối năm 1944, khắc họa một đoàn quân Việt Nam đi trong tưởng tượng khi tác giả vật lộn với nạn đói ở Hà Nội. Diệt phát xít lại là một lời hiệu triệu trực tiếp nhắm đến kẻ thù trước mắt và kêu gọi lòng căm thù trong sự tiến lên một “nền dân chủ cộng hòa” đã được dự báo. Đáng lưu ý là các tác giả của chúng đều chưa đến 25 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.