Sau khi cho tôi thưởng thức đủ loại “đặc sản Hội An”, từ cao lầu, xí mà đến bánh đập, cô bạn là dân phố cổ mới hỏi: “Chừ chuyển sang món phi vật thể hỉ? Anh thích bài chùa không?”. Tôi nghe giọng Quảng Nam không đến nỗi nào nhưng cô bạn hỏi đột ngột, lại bị ám ảnh mấy ngôi chùa cổ ở đây, nên chợt giật thột, hỏi lại: “Chùa chiền mà sao cũng có đánh bài?”. Cô cười phá lên: “Là hát bài chòi ấy, do em chưa sửa giọng”.
Bài chòi ở Hội An là để phục vụ khách du lịch. Có bài mà chẳng thấy chòi. Nghe hát mà không thấy “diễn”. Các động tác “múa” của anh hiệu (người quản trò, cũng là MC của cuộc chơi) không có đất diễn, lại không nghe rõ lời của từng câu hát nên rất dễ nản, xem một lần “cho biết” chứ không thể níu chân du khách thêm lần nữa. Nhưng bài chòi mà tôi sắp kể dưới đây thì quả là “quên cả con nhỏ” mà lao vào chơi.
|
Bài chơi trong chòi
Ngày tết ở vùng nông thôn Trung bộ thường diễn ra các trò chơi dân gian. Đánh bài chòi là một trong những trò chơi luôn lôi cuốn nhiều người tham gia. Bản thân chữ “đánh bài” đã mang hàm nghĩa “cờ bạc” nhưng với trò chơi dân gian này hoàn toàn không phải để sát phạt nhau như đánh bầu cua hay xóc đĩa, dù bài chòi cũng có yếu tố được - thua. Sở dĩ các bà mẹ trẻ “quên” cả con, để cho nó khóc đến “lòi rún ra” như thế, chính là những câu hát do anh hiệu, tức người dẫn dắt cuộc chơi đã làm mê hoặc người chơi. Nếu chỉ “hát chay” như thế thì tính hấp dẫn của cuộc chơi sẽ giảm đi, vì vậy các nhà tổ chức bèn xen yếu tố “được - thua” vào trò chơi để níu chân người chơi.
Chọn một bãi đất rộng giữa làng, người ta dựng lên 9 cái chòi bằng tre, trông như những chiếc chuồng cu. Người chơi sẽ ngồi vắt vẻo trên những chiếc chòi này. Chòi được bố trí vây quanh ba mặt, mặt còn lại dành cho ban tổ chức, giữa là bãi đất trống, nơi sẽ diễn ra cảnh múa hát của anh hiệu. Người chơi bài chòi mua một thẻ bài, trên thẻ có ba quân bài. Về phía ban tổ chức cũng có những con bài tương ứng. Sau khi “chào sân” bằng câu hát “Gió xuân phơ phất cành tre/Bà con cô bác lắng nghe bài chòi”, anh hiệu đưa tay vào ống tre, nơi có những quân bài rồi rút một con bất kỳ. Tấm thẻ bài ấy sẽ có một quân bài, ví dụ rút trúng con “xưởng” thì anh hiệu phải dẫn dắt người chơi trong sự hồi hộp bằng một bài hát theo thể lục bát mà trong đó phải có chữ “xưởng”. Có khi chữ “xưởng” trong bài hát nằm ngay câu đầu tiên nhưng cũng có khi rơi ở câu cuối cùng. Vì vậy, người chơi không biết quân bài của mình liệu có trúng không nên tất cả đều tập trung nghe anh hiệu hát. Cầm trên tay con bài mang tên “xưởng”, anh hiệu hát: “Hồi nào đói rách có qua/Bây giờ nên xưởng nên nhà thì lơ”, là con “sáu xưởng”. Tại các chòi, ai có con “xưởng” thì giơ lên. Một anh “lính lệ” sẽ mang một lá cờ vàng đến “tặng” cho người vừa trúng con “xưởng”.
Anh hiệu tiếp tục cuộc chơi bằng việc rút trong ống một con bài khác. Lại hát trong tiếng đàn nhị nỉ non, trong tiếng phèng la rộn vang mỗi khi câu hát lên cao trào hay tiếng trống tum vui nhộn mỗi khi anh hiệu pha trò. Trong các chòi, hễ ai được 3 lần trúng như thế là thắng cuộc. Người thắng, ngoài tiền thưởng, còn được mời một chén rượu đầu xuân cùng lời cảm ơn của ban tổ chức.
|
Hát bài chòi
Đánh bài chòi có mang yếu tố được - thua, song người chơi thường thì thua nhiều hơn là được. Vì trong 9 chòi ấy có đến 27 quân bài nhưng chỉ có 1 con trúng, xác suất 1/27 nhưng “phần thưởng” thì rất tượng trưng. Các điểm bài chòi năm nay, mỗi “vé” giá 20.000 đồng nhưng người chơi được “thưởng” chỉ 100.000 đồng. Dù vậy, người đến các điểm bài chòi vẫn rất đông. Họ đến không phải chỉ để “đánh bài” mà là để được nhập vào cái không khí hội hè của cuộc chơi, nhất là nghe anh hiệu hát những làn điệu dân ca và diễn trò. Điểm bài chòi có đông người chơi hay không, chủ yếu nằm ở chỗ “diễn trò” và những bài hát của anh hiệu. Anh hiệu phải là người khỏe giọng nhất, hài hước và hóm hỉnh nhất. Một quân bài thì thường kèm theo đến 3-4 bài hát mà ca từ của nó nhất thiết có một chữ trùng với con bài. Lời ca có khi thâm trầm í vị nhưng có lúc cũng tếu táo cợt đùa. Dù là thâm sâu hay cười cợt, bao giờ các câu hát cũng mang đến cho người chơi bài chòi cái cảm giác sảng khoái.
Hãy nghe anh hiệu hát một bài về con “bánh ba”: “Thương chồng đi biển nắng mưa/Mua ba thứ bánh em đưa cho chồng/Bánh xèo em để bên hông/Bánh mì chàng cứ thật lòng ăn đi/Bánh bao em để chỗ ni/Thơm mùi hoa sữa đợi khi chồng về”. Nếu chỉ hát chay, tức không có động tác múa tay múa chân thì câu hát trên đây sẽ khó lấy được ở người chơi một tiếng cười nào, song khi hát đến câu “Bánh bao em để chỗ ni”, anh hiệu sẽ dùng tay chỉ vào ngực mình. Chính “chỗ ấy” mới “thơm mùi hoa sữa”, mới “đợi chồng về” sau chuyến đi biển. Người chơi như vỡ òa bằng những trận cười chính là cái “chỗ ni” ấy. Cũng có khi, câu hát hoàn toàn nghiêm túc. Nó như một bức tranh tình yêu lứa đôi vô cùng lãng mạn nơi thôn dã: “Thấy em đứng dưới gốc chanh/Cho anh đứng với để thành lứa đôi/Hai ta hết đứng lại ngồi/Bốn bàn chân mỏi để rồi thương nhau” (con tứ cẳng). Nhưng bao trùm lên cuộc chơi là những câu hát vui, có xen yếu tố tục nhưng không quá thô lậu. “Tối qua tôi đi ra gò/Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe/Bà con cô bác lắng nghe/Hội bài chòi đã mở, câu hò vè vang lên”. Mô tả cảnh “yêu” của ông bà ta ngày xưa mà như thế, quả là quá tài!
|
Để đỡ lặp lại những câu hát mà người chơi năm nào cũng nghe, các anh hiệu phải sáng tác thêm những câu mới, đưa luôn chuyện “thời sự” hôm nay vào bài. Đây là bài nói về “con giày”: “Ngày xưa em mặc áo the/Em đi lễ hội để nghe bài chòi/Bây giờ em lại đua đòi/Em mang giày cao gót để lòi lưng ra”. Giày cao gót thì liên quan gì đến lưng nào? Có đấy, giày cao gót thì phải cúi xuống để xỏ giày, mấy cô thiếu nữ bây giờ mặc quần lưng ngắn, áo cũng ngắn nốt nên “để lòi lưng ra” là vậy.
“Ở quê em đẹp nết na/Em ra phố hội em đà đổi thay/Ngày xưa áo vải tóc dài/Nay tóc quăn tít anh đây (mới) chán chường” (con tam quăn).
Chân dung một anh hiệu
Nhiều người đến các điểm bài chòi cốt để xem anh hiệu diễn trò và nghe anh hát. Ông Nguyễn Thực, 55 tuổi, quê xã Bình Thuận, một làng biển thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có trên 30 năm làm “anh hiệu”. Ngành văn hóa phải “rước” ông vào Quảng Ngãi để phục vụ những ngày tết vừa qua. “Tui là dân chài nhưng phải bỏ phiên biển đầu năm để vô đây hát bài chòi cho sướng”. Thì ra, mê bài chòi không chỉ có người chơi mà người “chủ xị” cũng mê. Được hát, được “mua vui” cho mọi người trong dịp xuân cũng là một cái thú. Ông Thực kể: “Bà xã phân công tui tết này ở nhà trông cháu ngoại cho mấy đứa con nó đi chơi nhưng tui không chịu. Tui nói, ngày xưa bà mê tui cũng vì cái món bài chòi này, giờ bà cũng phải “giải phóng” để tui đi phục vụ chớ!”. Suốt 7 ngày tết (từ mùng 1 đến mùng 7), ông Thực hát/múa không ngừng nghỉ, dù tiền thù lao không thể bằng một chuyến đi biển đầu năm.
Bao nhiêu loại hình nghệ thuật dân gian, ngành văn hóa hô hào phải “gìn giữ bản sắc” nhưng chẳng mấy ai chịu giữ, song bài chòi, chả ai bảo “giữ” nhưng người dân vẫn cứ duy trì. Vì nó hấp dẫn người chơi. “Để cho con khóc đến lòi rún ra” là vì cái lẽ đó vậy.
Trần Đăng
>> Cầu Hội An trong vũ điệu ánh sáng
>> Phố cổ Hội An huyền ảo đêm giao thừa
>> Khách quốc tế nườm nượp đổ về Hội An
>> Hội An tưng bừng đón năm mới
>> Hội An là điểm đến ưa thích nhất
>> Triển khai thêm 2 gói thầu xây kè biển Hội An
Bình luận (0)