Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng 'kêu cứu' sau thập kỷ chật vật

05/04/2021 11:05 GMT+7

Hàng loạt vướng mắc sau hơn 9 năm vẫn chưa được tháo gỡ, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng tiếp tục có văn bản khẩn thiết "kêu cứu".

Hơn 10 năm bị động chờ đợi

Theo báo cáo của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (chủ đầu tư), dự án Trống Đồng được UBND TP giao đất theo Quyết định giao đất số 3126 của UBND TP.HCM ngày 15.7.2010. Trong suốt thời gian từ khi được giao đất, phía Đông Dương đã không ngừng làm việc với các Sở, ban ngành của thành phố, và trải qua các bước thủ tục kéo dài, nhiều vướng mắc với các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Cụ thể, về việc xác định đơn giá thuê đất cho dự án, Bộ Xây dựng không xây dựng định mức chi phí đầu tư xây dựng cho công trình ngầm tương tự và yêu cầu tính cụ thể theo đặc điểm của dự án. Tính từ thời điểm Tập đoàn Đông Dương có văn bản số gửi Sở Tài chính TP.HCM xin xác định đơn giá thuê đất đến khi có Quyết định số 5481 của UBND TP ban hành giá thuê đất tạm tính, đã có tổng cộng 56 văn bản qua lại giữa các bên để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đã 4 năm chờ đợi cho việc xin xác định đơn giá thuê đất, doanh nghiệp mới chỉ được phê duyệt tạm tính, đến khi hoàn thành thẩm định thiết kế sẽ phải xác định lại đơn giá thuê đất cho dự án.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án bị kéo dài nhiều năm do phải chờ hồ sơ kiểm toán của Công ty công viên cây xanh về mức lợi nhuận, lương cán bộ công nhân tại sân khấu Trống Đồng. Công ty công viên cây xanh chuyển cơ quan chủ quản từ Sở GTVT về trực thuộc UBND nên việc này bị kéo dài chậm trễ không có phản hồi, khiến thủ tục bị kéo dài tới 5 năm. Đáng nói, sau 6 năm chờ đợi thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư lại tiếp tục nhận được thông tin từ Ban Bồi thường về việc phải tiến hành thẩm định giá lại.
Ngày 4.12.2018, Công ty Tập đoàn Đông Dương ký hợp đồng với Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 1 về lập phương án bồi thường, hỗ trợ dự án Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Ban Bồi thường có vướng mắc về thủ tục và đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị “hướng dẫn về pháp lý thực hiện; trình tự thủ tục các bước thực hiện tiếp theo khi đã có quyết định thu hồi đất và giao đất; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thời điểm phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ di dời tại dự án”. Song, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa hề có bất kỳ cuộc họp hay trả lời nào gửi cho Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 1 cũng như chủ đầu tư.
"Suốt từ tháng 12.2012 cho đến nay , tổng cộng đã hơn 9 năm và chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn toàn bị động chờ đợi mặc dù liên tục làm việc với các bên liên quan và luôn luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, ký hợp đồng định giá, đóng đầy đủ các khoản mục được yêu cầu" - văn bản báo cáo của chủ đầu tư nêu rõ.

TP.HCM đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe

Ảnh: Ngọc Dương

Phải xóa quy hoạch, làm lại từ đầu?

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó chủ tịch Tập đoàn Đông Dương thông tin thêm: Đến năm 2017, sau khi hoàn tất và gửi hồ sơ xin phép xây dựng, Sở Xây dựng lại yêu cầu doanh nghiệp phải làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và được thông báo về việc ranh bảo vệ tuyến đường sắt đô thị số 2 trùng lấn ranh dự án Trống Đồng, do đó chủ đầu tư phải tính toán và điều chỉnh lại thiết kế.
Tức là các bước đã thực hiện trong suốt thời gian từ năm 2015 phải làm lại từ đầu, chi phí đã chi trả cho các hạng mục tư vấn thiết kế phải tiếp tục đưa vào chi phí dự án nhưng vẫn chưa hoàn tất. Do thiết kế đã thay đổi nhiều lần, chi phí đầu tư đến thời điểm này đã phát sinh rất cao (nếu tính chi phí dự án Lam Sơn thì chỉ riêng phí thiết kế đã trên 100 tỉ đồng, chưa bao gồm các chi phí khác).
Tuy nhiên trong quá trình điều chỉnh quy hoạch để tránh chồng lấn vùng bảo vệ tuyến metro, Sở Quy hoạch và Kiến trúc lại có ý kiến yêu cầu chủ đầu tư thay đổi hoàn toàn bản chất quy hoạch đã được phê duyệt từ khi có chủ trương dự án, thay đổi quy hoạch đã được phê duyệt năm 2015.
"Chúng tôi không đồng ý việc xóa sạch các thủ tục pháp lý trước đó để làm lại từ đầu. Việc chồng lấn vùng bảo vệ với tuyến metro không phải lỗi chủ đầu tư, chủ đầu tư đã chấp nhận điều chỉnh dự án để đảm bảo an toàn cho tuyến metro số 2, nhưng không có lý do gì về việc này Sở Quy hoạch và Kiến trúc ép buộc chủ đầu tư phải làm lại thỏa thuận quy hoạch kiến trúc từ đầu, xóa sạch tiêu chí ban đầu của dự án. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND TP khẩn trương giúp đỡ chủ đầu tư thúc đẩy tiến độ, giám sát các Sở ban ngành và phê duyệt các thủ tục liên quan dự án Trống Đồng để có thể khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. Với cách làm việc trì trệ của các cơ quan chức năng đã xảy ra suốt 10 năm qua và vẫn tiếp tục như cũ không có gì thay đổi, thì chủ đầu tư dù có cố gắng mấy cũng không thể nào khởi công dự án như mong muốn được" - lãnh đạo Tập đoàn Đông Dương bức xúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.