Họ bị loại do nhiều nguyên nhân nhưng ở trận tứ kết rõ ràng bị người Đức sử dụng ngón đòn “gậy ông đập lưng ông”.
Đối đầu với dàn sao của “cỗ xe tăng” Đức, hiển nhiên HLV Conte không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà chủ động nhường quyền kiểm soát thế trận cho đối phương. Ngược lại, tự tin với cái “dớp” Đức chưa bao giờ thắng Ý trong những giải chính thức, ông quyết định dựng phòng ngự chặt chẽ trước cầu môn, kết hợp cùng phong độ xuất sắc của thủ môn Buffon. Việc làm này là để chờ cơ hội phản công hoặc cuối cùng là những quả sút 11m đầy may rủi -một điểm yếu của Đức trong mấy mùa giải gần đây. Trong khi đó, khi lui về, Loew lại cho học trò phòng ngự theo kiểu… Ý.
Nhưng HLV Conte đã sai lầm chỉ lo chiến thuật đối đầu mà quên chuẩn bị tâm lý cho học trò. Sự khác biệt giữa thành công của Đức và thất bại của Ý ở trận này chính là yếu tố tinh thần. Ở loạt “đấu súng” cân não này, rõ ràng người Đức bản lĩnh và có phần may mắn hơn, phá được cái “dớp” đã tồn tại bao nhiêu năm qua. Không hiểu vị HLV người Đức có đọc qua tiểu thuyết kiếm hiệp “Thiên long bát bộ” của Kim Dung hay không, bởi ở đó có một chiêu võ được sáng chế bởi nhà Mộ Dung, mang tên “Gậy ông đập lưng ông”. Cha con Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục vang danh thiên hạ bởi nghệ thuật này. Chính Loew đã dùng chính tuyệt chiêu của đối phương để thắng đối phương.
Vẫn biết, kiếm hiệp chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng tất cả đều “có cơ sở”, ít ra là ở trận tứ kết vừa qua. Và Joachim Loew vận dụng nguyên lý có thể thắng bằng “võ” của đối phương, thay vì chỉ lo chăm bẵm củng cố sở trường của mình.
Bình luận (0)