Đá 11m không phải là chuyện may rủi. Người Đức luôn nói như vậy, có lẽ vì chính họ hiểu rõ hơn ai hết nỗi cay đắng khi thất bại trong màn "đấu súng" nghiệt ngã.
Đức chính là đội đầu tiên trong lịch sử các giải đấu lớn phải ôm hận khi thua trên chấm 11m. Họ chỉ sút hỏng 1 quả, và đành nhường chức vô địch EURO 1976 cho Tiệp Khắc. Kết quả ấy mà đảo ngược, Đức đã có thể sở hữu kỳ tích 3 lần liên tiếp vô địch EURO (1972-1980) từ rất lâu rồi.
Vì kinh nghiệm thương đau hồi năm 1976, giới bóng đá Đức mới nhìn vào quả 11m luân lưu với cặp mắt khác, tinh thần khác, suy nghĩ khác, so với Anh hoặc Hà Lan. Cũng chính vì vậy, Mannschaft mới trở nên "vô đối" trong lĩnh vực sút 11m suốt 40 năm qua, ở hai đấu trường lớn EURO, World Cup.
[VIDEO] SÚT LUÂN LƯU 11M CỦA ĐỨC VÀ Ý
Đức chưa bao giờ thua lần nữa trên chấm 11m. Bất quá, Gary Lineker cũng chỉ nói được tới chỗ "cuối cùng người Đức luôn thắng", khi nhân vật này "định nghĩa" môn bóng đá bằng một câu đơn giản nhất, thú vị và dễ nhớ nhất. Nhưng có lẽ, chính Lineker cũng không hiểu vì sao ông phải nói vậy.
Đâu phải là sự ngẫu nhiên khi "người Đức luôn thắng". Đi vào chi tiết của chuyện chưa bao giờ thua lần nữa ở chấm 11m (sau kinh nghiệm thua Tiệp Khắc), chúng ta sẽ hiểu vấn đề rõ hơn: Uli Stielike là cầu thủ Đức duy nhất trong 40 năm - từ sau trận chung kết EURO 1976 đến trước EURO 2016 - từng sút hỏng một quả 11m luân lưu!
HLV Joachim Loew của tuyển Đức tỏ ra khá vui mừng khi các học trò đã giữ được dây thần kinh đánh bại Ý về mặt chiến thuật và bản lĩnh sau loạt “đấu súng” trên chấm 11m ở tứ kết EURO 2016 diễn ra rạng sáng nay (3.7, giờ VN).
Sút 11m không phải là chuyện may rủi - có thể tranh luận điều này theo một cách khác. Nếu là may rủi, UEFA và FIFA hẳn đã phải tìm ra cách khác để phân định thắng thua trong trường hợp hòa ở thể thức loại trực tiếp, cho 2 giải đấu lớn. Họ đã phải dùng đến giải pháp... tung đồng xu, nghĩ ra "bàn thắng vàng", rồi điều chỉnh thành "bàn thắng bạc". Nhưng tóm lại, tất cả đều bị xóa bỏ khi lộ rõ là những giải pháp điên rồ, thậm chí ngu ngốc. Đấy mới là những giải pháp đầy tính may rủi. Sút 11m để phân thắng bại tuy có nghiệt ngã thật, nhưng rất công bằng. Hoặc ít ra, chưa ai nghĩ được cách nào công bằng hơn.
Julian Draxler, Thomas Muller và Mats Hummels sau một quả penalty sút hỏng Reuters
Sút 11m không phải là chuyện may rủi. Vậy nó là trò chơi cân não, là cuộc chiến tâm lý, hay là sự so đo kỹ thuật thuần túy? Có lẽ phải là tất cả. Và đây là chỗ mà Joachim Loew phải nghiêm túc nghĩ lại nếu ông muốn chiếm ngôi vô địch EURO 2016. Đã là người Đức mà lại sút hỏng luân lưu đến 3 lần chỉ trong 5 quả đầu tiên, thì đấy là điều không thể chấp nhận.
Sao cứ để Mesut Oezil sút 11m mãi thế, khi chính anh này đã sút phạt đền "như trẻ con" ở trận gặp Slovakia, và khi anh đã sút hỏng đến 4 trong 5 quả 11m gần đây? Sao lại để Thomas Muller gánh vác trách nhiệm khi ai cũng thắc mắc về chuyện Muller chưa thể ghi bàn ở EURO này? Sao lại để "con ngựa già" Bastian Schweinsteiger đá 11m? Họ sút hỏng... là đúng, chứ không phải chuyện may rủi. Có chăng chỉ là vận may cho Loew. Ông đã chiến thắng, đã đi tiếp. Nhưng chắc chắn ông phải suy nghĩ lại!
Bình luận (0)