Bạn đọc mong muốn cán bộ phải sâu sát, ứng xử linh hoạt và biết thương dân.
Như Thanh Niên đã đưa tin, trưa 28.11, ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (Quảng Nam), cho biết đã nắm thông tin về việc xã Tam Vinh (H.Phú Ninh) hỗ trợ 2.000 đồng trong đợt thiên tai bão lũ xảy ra năm 2020 cho người dân trên địa bàn. Huyện ủy Phú Ninh đã yêu cầu kiểm điểm từ huyện xuống xã liên quan vụ việc này.
Theo ông Thẩm, việc thống kê thiệt hại như vậy là đúng, nhưng người phê duyệt danh sách hỗ trợ phải chỉ đạo, yêu cầu lấy mức hỗ trợ cụ thể và có giá trị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ví dụ, nếu hỗ trợ thì lấy giá trị từ 50.000 đồng, nhưng thấp hơn thì nên thông báo lại cho người dân và nói bà con thông cảm. Cách làm như vậy sẽ ổn, bởi đây là hỗ trợ chứ không phải đền bù. Theo ông Thẩm, có nhiều cách chi hỗ trợ nhưng cách làm của xã Tam Vinh có vẻ chưa được sát dân lắm, và mọi chuyện cần phải tham vấn người dân.
Với vụ việc hỗ trợ 2.000 đồng vừa rồi, địa phương có thể họp tổ đoàn kết, thông tin cho người dân, nói bà con về số tiền vậy, xin ý kiến họ có cần thiết phải lấy không; nếu không thì sung vào công quỹ, hoặc trả lại cho nhà nước.
Cũng theo ông Thẩm, ở các bộ phận bên trên cũng sai (duyệt chi 2.000, 5.000, 7.000 đồng/trường hợp). Vì vậy, việc kiểm điểm phải từ trên xuống dưới, nhằm mục đích nhận thức cho ra vấn đề về mặt phương pháp, cách đặt vấn đề.
Ông Thẩm cho rằng chính quyền phải sâu sát với dân, chứ cách làm việc còn máy móc quá. Có 2.000 đồng mà bắt người dân lên ngồi cả buổi chờ nhận là cách làm quan liêu.
Được biết, toàn xã Tam Vinh có 588 trường hợp được hỗ trợ thiệt hại về cây trồng. Đáng chú ý, ngoài trường hợp chỉ nhận 2.000 đồng thì còn có thêm 31 trường hợp được hỗ trợ với mức dưới 10.000 đồng.
Cán bộ quá máy móc
Nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc trước cách làm việc quá máy móc của cán bộ xã, và người phê duyệt hỗ trợ ở huyện. BĐ Nam Chau viết: “Tôi không biết quy định về đền bù thiệt hại do bão như thế nào, các anh ở xã phải có cách chi giải thích hay hỗ trợ cách gì hoặc thông báo là ít quá thì khỏi. Chứ ai đời mời lên để nhận 2.000 đồng tiền đền bù thiệt hại, các anh thấy nó khó coi, còn dân tình phương xa thì thấy... khó tin và mắc cỡ thiệt”.
Cùng quan điểm, BĐ ductribk nhận xét: “Làm việc máy móc quá nên chuyện cứ như hài. Hãy học cách xử lý linh hoạt, cách chia sẻ với dân khi khó khăn, chứ không chỉ là tiền”. BĐ Nloc cũng cho rằng: “Thử đặt mình là người dân thì nhận hỗ trợ chừng 20.000, 30.000 có bỏ công đi xa vậy để nhận không? Huống gì đây là 2.000 đồng, quan liêu và thờ ơ hết biết!”.
Cần lắm những cán bộ thật sự thương dân
Nói về cách xử lý của bí thư huyện ủy, BĐ Chiến Thần cho biết: “Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, khi cho rằng chính quyền phải sâu sát với dân, làm việc không máy móc. Tôi nghĩ nếu cán bộ thực sự thương dân thì nên giải thích cho dân hiểu, biết quý “thời giờ là vàng bạc” của người dân, để không xảy ra trường hợp đi lại chờ cả buổi để nhận… hỗ trợ 2.000 đồng. Chuyện hài muốn khóc”.
Trời ơi, nếu xác định chỉ “cây chuối thiệt hại 70% trên diện tích 10 m2” thì theo tôi nên giải thích cho dân hiểu không đủ điều kiện hỗ trợ, để dân vui, sao lại hỗ trợ 2.000 đồng, thấy kỳ...
Minh Minh
Chúng ta không chỉ cần cán bộ luôn biết tuân thủ quy định, mà còn cần cả những cán bộ có cảm xúc trước từng vụ việc, không quá máy móc kiểu robot. Không hiểu khi đặt bút ký phê duyệt, các vị có đọc và nghĩ như thế nào không? Đó là hành động quan liêu quá rõ...
Dương Văn Tuấn
BĐ NCTn cho biết: “Chuyện nhỏ như con thỏ mà còn vậy, nếu gặp chuyện lớn thì ứng xử làm sao đây? Số tiền đó (2.000 đồng) chưa mua được cục kẹo, cây kem. Nên làm rõ trách nhiệm ông bà nào phụ trách mảng bồi thường này”. BĐ tuot50665 cũng cho rằng: “Công tác dân vận của xã này chưa đạt. Cán bộ làm việc quá máy móc, cứng nhắc. Nếu họp dân giải thích rõ ràng từng hộ sẽ nhận được bao nhiêu thì người dân sẽ đồng tình ngay”.
Trong khi đó, BĐ Hiền gửi gắm: “Phải kiểm điểm nghiêm túc về việc này, rút ra được bài học sâu sắc trong việc xử lý công việc, phải hợp tình hợp lý, linh hoạt, không máy móc. Trên hết là phải sâu sát với dân, đồng cảm, biết yêu thương người dân”.
Bình luận (0)